Đời Sống

Công an Bình Dương thông tin chi tiết về vụ án liên quan bà Nguyễn Phương Hằng

Hương Ly - 06/05/2022 15:31 GMT+7

Cơ quan điều tra kiến nghị Bộ Công an chấp thuận cho nhập vụ án bà Nguyễn Phương Hằng để Công an TP.HCM điều tra.

Sáng 6/5, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế, xã hội do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, đại tá Trần Văn Chính - Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương - đã thông tin về khởi tố vụ án liên quan bà Nguyễn Phương Hằng.

thuy-tien-phuong-hang-8-082104

Đại tá Trần Văn Chính cho biết, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng nhưng chưa khởi tố bị can. Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án với tội danh tương tự như vụ án mà Công an TP.HCM đã khởi tố đối với bà Nguyễn Phương Hằng trước đó.

Việc khởi tố vụ án này nhằm làm rõ nội dung tố cáo của một số cá nhân cho rằng bà Hằng có hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Từ ngày 6/10 đến ngày 3/11/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương tiếp nhận các đơn tố giác bà Nguyễn Phương Hằng của 7 cá nhân gửi đến các cơ quan như Văn phòng Bộ Công an, Thanh tra Bộ Công an, Cục cảnh sát Hình sự - Bộ Công an và Công an TP. HCM. Sau đó đơn được chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương thụ lý với các lý do hoạt động phát trực tiếp qua Internet của bà Nguyễn Phương Hằng diễn ra tại địa bàn Bình Dương.

phuonghang-1636947198513

Các cá nhân tố giác bà Hằng, gồm: Bà Đinh Thị Lan; ông Huỳnh Minh Hưng; bà Đặng Thị Hàn Ni; ông Nguyễn Đức Hiển; bà Trần Thị Thủy Tiên; ông Đồng Quốc Nhạc; bà Nguyễn Thị Tố Trinh.

Các đơn tố giác này đều có chung nội dung là bà Hằng có hành vi "Vu khống"; "Làm nhục người khác"; "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân".

Công an tỉnh Bình Dương đã thu thập 53 buổi livestream của bà Hằng và tiến hành các bước trưng cầu giám định. Từ đó, xác định bà Phương Hằng có những phát ngôn thiếu chuẩn mực đạo đức, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác.

Ngày 26/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương có kiến nghị với VKSND tỉnh quyết định khởi tố vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân".

Theo Điều 170 của Bộ luật hình sự, những tội danh, hành vi trùng với nhau sẽ xử lý chung vụ án. Do vậy, Công an Bình Dương đã có văn bản thống nhất, trao đổi với Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM và báo cáo Cơ quan CSĐT Bộ Công an theo hướng chuyển vụ án Cơ quan CSĐT Công an TPHCM để xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 24/3, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, ngụ quận 3, là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

ba-phuong-hang-bi-bat

Hiện, việc điều tra của Công an Bình Dương và Công an TP HCM là độc lập với nhau. Tuy nhiên, việc Công an TP.HCM có phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương nhập vụ án để xử lý hay không sẽ được xem xét trong quá trình tố tụng.

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định rõ trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, nhằm đảm bảo việc phát hiện, xác định tội phạm và người phạm tội được chính xác, xử lý nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Việc này cũng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân.

Điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là quy định rõ thẩm quyền của Cơ quan điều tra, VKSND trong việc nhập, tách vụ án hình sự.

Điều này nhằm đảm bảo giải quyết các vụ án hình sự nhanh chóng, đúng quy định pháp luật mà không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan điều tra, VKSND có thể nhập hoặc tách vụ án hình sự.

Tuy nhiên, luật không quy định bắt buộc phải nhập hoặc tách vụ án hình sự.