Liên quan đến vụ án của bà Nguyễn Phương Hằng, một câu hỏi được công chúng đặc biệt quan tâm đó là bà Phương Hằng có được xem xét giảm nhẹ tội trong quá trình điều tra, tố tụng khi đã làm từ thiện rất nhiều trong những năm qua không?
Trả lời câu hỏi này, báo Người Lao Động cho biết quy định của pháp luật, cơ quan điều tra có trách nhiệm thu thập chứng cứ buộc tội, thu thập cả bằng chứng gỡ tội. Vì vậy, những tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự đều sẽ được cơ quan điều tra làm rõ, lấy làm cơ sở tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo.
Tòa án sẽ đánh giá tính chất, mức độ phạm tội, nhân thân người phạm tội cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt. Đáng chú ý, các tình tiết giảm nhẹ chỉ là một trong những yếu tố quyết định đến loại hình phạt và mức hình phạt chứ không phải mấu chốt khi tòa lượng hình.
Trong suốt nhiều năm qua, bà Nguyễn Phương Hằng từng có nhiều hoạt động từ thiện nổi bật. Điển hình là quỹ từ thiện Hằng Hữu của gia đình nữ đại gia đã giúp đỡ Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) hơn 24 tỷ đồng để mổ tim cho 519 bệnh nhân nghèo trong suốt 6 năm qua.
Không chỉ vậy, vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng còn ủng hộ, đóng góp rất nhiều chương trình xã hội như mua hàng chục nghìn bình oxy, máy tạo oxy mini hỗ trợ cho bệnh nhân bị Covid-19. Công ty Đại Nam của vợ chồng bà Phương Hằng cũng tài trợ xây cầu đường cho nhiều địa phương khó khăn.
Theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự, hoạt động từ thiện của bà Phương Hằng nếu được UBND cấp quận trở lên hoặc các cơ quan tương đương tặng bằng khen, giấy khen sẽ được xem như tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Được biết, Công an tỉnh Bình Dương vừa ra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến các đơn tố giác bà Nguyễn Phương Hằng.
Theo Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương xác nhận, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án nhằm làm rõ những đơn tố cáo của các cá nhân đối với bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam).
Trước đó, ngày 24/3, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, ngụ quận 3, là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Hiện, việc điều tra của Công an Bình Dương và Công an TP HCM là độc lập với nhau. Tuy nhiên, việc Công an TP.HCM có phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương nhập vụ án để xử lý hay không sẽ được xem xét trong quá trình tố tụng.
Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định rõ trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, nhằm đảm bảo việc phát hiện, xác định tội phạm và người phạm tội được chính xác, xử lý nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Việc này cũng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân.
Điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là quy định rõ thẩm quyền của Cơ quan điều tra, VKSND trong việc nhập, tách vụ án hình sự.
Điều này nhằm đảm bảo giải quyết các vụ án hình sự nhanh chóng, đúng quy định pháp luật mà không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan điều tra, VKSND có thể nhập hoặc tách vụ án hình sự.
Tuy nhiên, luật không quy định bắt buộc phải nhập hoặc tách vụ án hình sự.