Không biết bắt đầu từ khi nào và từ đâu, nhưng từ rất lâu trước kia, người Việt đã có tục lệ làm mâm cơm cúng Ông Công, Ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Ông Công ở đây là Thổ Công – Người cai quản đất đai, nhà cửa, còn Ông Táo là người cai quản bếp núc trong gia đình. Người ta quan niệm, cứ 23 tháng Chạp, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo tình hình của gia đình mình trong 1 năm vừa qua.
Đây được coi là một lễ tiết quan trọng trong đời sống người Việt và được nhiều người bày lễ vô cùng cụ thể, chu đáo. Việc chuẩn bị mâm cơm cúng ông Công ông Táo không chỉ là một dịp lễ tiễn năm cũ đi, mà còn tương đương như một dấu mốc cho dịp Tết Nguyên đán. Bởi lẽ, thường chỉ cần sau ngày lễ Ông Công Ông Táo, người ta đã thấy khí Tết rạo rực khắp trong nhà ngoài phố.
Chính vì đây là một trong những dịp lễ quan trọng với đời sống tinh thần người Việt, nên ngày hôm nay, các độc giả hãy cùng SaoDaily tìm hiểu về những lễ nghi liên quan tới tục lệ này nhé!
Thời gian: Người ta quan niệm, Ông Công Ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, nên việc biện lễ cúng phải được thực hiện xong trước 12h trưa. Hầu hết người dân thường biện lễ, làm lễ vào đúng ngày 23 âm lịch, nhưng giờ đây với guồng quay bận rộn của công việc, người ta thường bắt đầu cúng ông Công ông Táo trong khoảng ngày 21-23 âm lịch.
Khâu chuẩn bị:
- Bộ mã Ông Công Ông Táo
- Tiền vàng
- Cá chép sống
- 1 mâm cơm mặn: Gà luộc, bánh chưng hoặc xôi, canh măng/ miến, món xào, 1 đĩa thịt sống, 1 đĩa muối hạt to, 1 đĩa gạo, 1 khoanh giò, cơm trắng, rượu, thêm món ăn tùy phong tục địa phương,…
- 1 mâm đồ chay (không bắt buộc)
- Trầu cau
- Hoa quả bày ban thờ
- 1 lọ hoa tươi (thường là hoa cúc)
Biện lễ và cúng: Thông thường, người ta thường đặt 1 mâm cúng dưới bếp (cúng ông Táo) và 1 mâm cúng ở ban giờ gia tiên (cúng ông Công), nhưng nếu bếp núc không được vệ sinh sạch sẽ, việc đặt mâm cúng ở nơi này sẽ bị coi là phạm “húy”. Chính vì vậy, gia chủ có thể đặt mâm cúng dưới ban thờ gia tiên, thắp hương và khấn chung.
Bài cúng ông Công ông Táo có nhiều phiên bản khác nhau theo từng vùng miền và phụ thuộc vào truyền thống từng gia đình, song nhìn chung đều cảm ơn các vị thần đã giúp mình trông coi căn nhà trong suốt năm qua, sám hối tạ lỗi những điều còn chưa chu đáo, và mong các vị thần bay về Thiên Đình sẽ báo cáo tốt cho gia đình để gia chủ có năm mới vạn sự tốt đẹp.
Khi thực hiện nghi lễ cúng bái, người làm lễ cần ăn mặc gọn gàng, kín đáo, thành tâm lễ bái. Lúc làm lễ cúng tránh để trẻ con chạy ra chạy vào, xô vào mâm lễ. Trước khi bắt đầu khấn, thắp hương cắm tại bát hương ban thờ, trên mâm đồ cúng và bộ vàng mã rồi mới khấn. Sau khi khấn xong, gia chủ chờ hương tàn hết hoặc tàn quá nửa thì được phép đem vàng mã đi hóa (một số nơi còn có cả sớ cuối năm, nếu có sớ thì phải hóa sớ trước) và hạ mâm lễ xuống thụ lộc.
Sau khi hóa vàng, cá chép sống lúc được mua về làm lễ cũng sẽ được đem đi thả ở các bờ hồ, ao, sông, suối để làm phương tiện cho các Táo về chầu trời.
Dịp cúng Ông Công Ông Táo cũng là thời điểm nhiều người tỉa chân hương, bao sái bàn thờ bởi người ta quan niệm sau khi các vị thần về trời, bát hương nhà họ sẽ không có người ngự cho tới đêm Giao thừa, là thời điểm thích hợp để tỉa chân hương.
Tuy vậy, theo lịch năm nay, ngày 23 tháng Chạp trùng với ngày Lập Xuân (4/2 dương lịch), các gia đình, gia chủ không nên rút chân nhang, tỉa bát hương vào ngày này để tránh hao tổn vận khí tốt trong năm mới.
Hàng trăm chậu hoa cúc bị đập phá ở Quảng Ngãi được “giải cứu”, chủ vườn thu đủ vốn chỉ sau vài ngày