Mục lục
1. Núi Bà Đen ở đâu? Giá vé tham quan núi Bà Đen
Địa chỉ: xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh
Núi Bà Đen nằm ở vị trí Đông Bắc của thành phố Tây Ninh thuộc xã Thạnh Tân. Với độ cao 986m nơi đây trở thành nóc nhà của vùng Đông Nam Bộ. Hằng năm, khu du lịch này tiếp đón hàng nghìn khách trong nước lẫn quốc tế đến đây tham quan, nghỉ dưỡng, ăn uống cũng như tham gia các hoạt động giải trí. Đặc biệt, những năm gần đây còn có một số bạn trẻ muốn thử thách mình bằng cách leo bộ lên đỉnh núi Bà Đen khiến ai cũng phải ngưỡng mộ.
Để tham quan, ngắm cảnh tại khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh, du khách sẽ phải mua vé vào cổng. Mức giá vé cụ thể như sau:
- Người lớn: 16.000 đồng/ khách.
- Trẻ em (từ 1 – 1,4m), người cao tuổi (trên 60 tuổi), người khuyết tật: 8.000 đồng/ vé.
- Trẻ em dưới 1m: Miễn phí.
Lưu ý: Mức giá sẽ có sự điều chỉnh tùy từng thời điểm.
2. Nên đi núi Bà Đen vào thời gian nào?
Núi Bà Đen nằm ở khu vực miền Nam – nơi có thời tiết chia thành hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Dựa vào địa hình cũng như điều kiện thời tiết thì bạn nên đi khám phá núi Bà Đen vào mùa khô (khoảng từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau) để đảm bảo an toàn cũng như giúp chuyến đi có thật nhiều trải nghiệm thú vị.
3. Cách di chuyển đến núi Bà Đen
Núi Bà Đen cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 100km nên bạn có thể di chuyển đến đây bằng nhiều phương tiện khác nhau như: xe máy, ô tô, xe khách,…
Di chuyển bằng xe khách: Nếu bạn là người không có nhiều thời gian, muốn có không gian nghỉ ngơi khi di chuyển thì hãy chọn một trong những nhà xe uy tín như: nhà xe Saco Travel (1900 272 708), nhà xe Tuấn Lan (0384 763 060), nhà xe Đồng Phước (0824 031 083),…
Di chuyển bằng xe máy: Từ trung tâm TP.Hồ Chí Minh bạn đi theo quốc lộ 22A, tiếp tục hành trình của mình bằng cách di chuyển đến ngã ba Tràng Bảng. Tại đây, bạn rẽ theo tỉnh lộ 782, chạy xe thêm khoảng 20km nữa là đến với địa phận Tây Ninh và di chuyển thêm 11km nữa để đến núi Bà Đen.
4. Cách leo lên núi Bà Đen
4.1. Đi bằng cáp treo
Đi cáp treo lên núi Bà Đen là lựa chọn dành cho những ai không có thời gian lẫn sức khỏe. Được biết, hệ thống cáp treo ở đây là do tập đoàn Sun Group đưa vào khai trương ngày 18/01/2020 nhằm rút ngắn thời gian lên trên đỉnh từ 8 giờ xuống còn 4 phút. Giá vé cáp treo sẽ có sự thay đổi theo năm, tuy nhiên bạn có thể tham khảo giá như sau: Người lớn: 100,000đ/ 1 vé khứ hồi; Trẻ em: 60,000đ/ 1 vé khứ hồi.
4.2. Leo núi Bà Đen theo đường chùa
Những bạn trẻ hoặc những người thích khám phá thiên nhiên sẽ lựa chọn di chuyển theo đường bộ. Và một trong những con đường đẹp nhất chính là đường chùa. Có vị trí nằm sát ngay bên cạnh chùa Bà nên con đường này có quãng đường di chuyển ngắn nhất, tuy nhiên nó cũng được bình chọn là con đường có độ cao và độ dốc lớn nhất. Theo những người đã từng leo núi bằng đường chùa chia sẻ thì thời gian lên được đến núi Bà Đen tính theo ngày, có người mất 1 ngày có người mất tận 2 ngày một đêm.
4.3. Leo theo đường cột điện
Bên cạnh đường chùa thì đường cột điện cũng là một sự lựa chọn lý tưởng cho những ai đam mê phượt thủ. Gọi là đường cột điện vì muốn di chuyển đúng đường thì bạn phải đi theo những cây cột điện trên con đường mòn. Nếu bạn trải qua 100 cây cột điện với khoảng thời gian từ 3 giờ - 4 giờ thì sẽ lên được đỉnh núi Bà Đen. Uư điểm của cách di chuyển này là bạn sẽ được chiêm ngưỡng thiên nhiên vô cùng đẹp, thỉnh thoảng sẽ có những con suối nhỏ để bạn dừng chân nghỉ ngơi và uống nước.
Ngoài những cách phổ biến trên thì muốn di chuyển đến núi Bà Đen bạn có thể thử những cách khác như: đi theo đường Ma Thiên Lãnh, đi theo đường ống nước, đi theo hệ thống máng trượt,…
5. Những trải nghiệm thú vị tại núi Bà Đen
5.1. Ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ
Quần thể du lịch Bà Đen có diện tích lên tới khoảng 24 km2 gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen. Những năm gần đây, núi Bà Đen chiếm trọn được trái tim của khách du lịch bởi thời tiết dễ chịu, không khí xung quanh trong lành, thiên nhiên lúc thì hoang sơ nhưng đôi khi cũng thật lãng mạn.
5.2. Tham quan quần thể chùa linh thiêng trên núi Bà Đen
Không chỉ đến đây ngắm cảnh, khách du lịch còn đây đây hành hương, cầu nguyện bình an vào những ngày lễ, Tết. SaoDaily sẽ gợi ý cho bạn những ngôi chùa có cảnh đẹp, được nhiều người lưu tới vì nổi tiếng linh thiêng.
Chùa Bà Đen: Ngôi chùa này còn có tên gọi khác là Linh Tiên Sơn Thạch tự, nơi đặt bức tượng Bà Đen bằng đồng. Tính đến nay chùa đã tồn tại được hơn 300 năm, bên cạnh hang đá là chánh điện, tiền đường thờ Tiêu Diện, tầng trên thờ Bồ Tát Di Lặc, phía ngoài sân đặt tượng Bồ Tát Quan Âm.
Chùa Linh Sơn Hòa Đồng: Ngôi chùa này thu hút mọi người đến tham quan vì lối kiến trúc mang đậm nét của những ngôi chùa miến Nam Bộ. Không gian chùa chỉ có 200m2 nên không gian xung quanh vô cùng tĩnh mịch, yên bình.
Chùa Hang: Ngôi chùa nổi tiếng này cũng có tên gọi khác là chùa Linh Sơn Long Châu. Để đi đến được đây bạn phải đi qua Linh Sơn Tiên Thạch Tự, sau đó đi thêm 100 bậc thang nữa. Bước chân vào chùa bạn sẽ phải trầm trồ vì có đến 181 bia tưởng niệm của các chiến sĩ trinh sát đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Chùa Quan Âm: Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất trong tất cả các chùa ở núi Bà Đen. Để leo đến nơi thì các bạn phải vượt qua 100 bậc thang thẳng đứng. Dù rất tốn sức và mất thời gian nhưng đa số mọi người đều đi bộ vì họ quan niệm rằng đó là sự thành kính của người dân gửi đến các vị thần nơi đây.
Ngoài những ngôi chùa nổi tiếng trên bạn cũng có thể tham khảo một số ngôi chùa sau: chùa Trung, chùa Phước Lưu, chùa Thiền Lâm, chùa Thủy Phát,…
5.3. Săn mây trên đỉnh núi Bà Đen
Từ trước đến nay nhiều người vẫn nghĩ muốn săn mây thì phải đến những địa điểm thuộc vùng Tây Bắc nhưng ở tại miền Nam cũng có một nơi săn mây lý tưởng đó chính là đỉnh núi Bà Đen. Với độ cao lên đến 986m so với mặt nước biển nơi đây trở thành nơi ngắm nhìn những đám mây bay bồng bềnh trên nền trời.
Thời điểm săn mây đẹp nhất tại núi Bà Đen chắc chắn là vào lúc bình minh. Tuy nhiên, hôm nào thời tiết đẹp thì bạn vẫn có thể may mắn để ngắm nhìn mây vào khoảng thời gian từ 7:00 - 9:00 sáng.
5.4. Leo núi và cắm trại trên núi Bà Đen
Hiện nay có rất nhiều cách di chuyển lên núi Bà Đen nhưng đa số mọi người đều chọn cách leo bộ vì nó không chỉ giúp bạn chinh phục được cảm giác mạnh mà còn cải thiện rất tốt sức khỏe. Quá trình leo núi rất nguy hiểm nên bạn cần chuẩn bị cho mình một đôi giày tốt, quần áo đủ ấm, đồ ăn, nước uống cẩn thận. Sau một hành trình leo núi khá mệt thì đa phần mọi người sẽ chọn ở lại trên núi để ngắm nhìn thiên nhiên thật lâu. Lúc đó hoạt động cắm trại là sự lựa chọn hoàn hảo nhất.
Để hoạt động cắm trại được an toàn nhất thì bạn cần chọn địa hình cao. Lều mang đi phải chịu được nhiệt độ bên ngoài vì ban ngày có thể nắng gắt nhưng về đêm thì lớp sương mù lại dày đặc nếu lều không đảm bảo sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng.
5.5. Thưởng thức ẩm thực trên núi Bà Đen
Ngoài đến đây tham quan, đi chùa thì du khách còn có cơ hội thưởng thức những món ăn ngon trên độ cao gần 1.000m. Hành trình khám phá núi Bà Đen có thể kéo dài cả ngày nên tại đây đã mở ra rất nhiều quầy ẩm thực, bán đầy đủ tất cả các món như: bánh tráng nướng, thịt xiên nướng, hủ tiếu, bún chả... mở cửa từ 7h -19h.
>> Xem thêm: 10+ đặc sản Tây Ninh thưởng thức tại chỗ và mua về làm quà
6. Những lưu ý cần phải nhớ khi đến núi Bà Đen
Vì núi Bà Đen có địa hình cao nên để thoải mái nhất thì bạn nên chọn trang phục thoải mái, đi cùng một đôi giày thể thao êm chân.
Trước khi đi bạn cần phải xem dự báo thời tiết để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như có được những trải nghiệm thú vị trong suốt chuyến đi.
Khi hành hương tại những ngôi chùa nổi tiếng tại núi Bà Đen thì bạn không được than mệt, không dùng miệng thổi tắt hương,… vì khi đó những ước nguyện của bạn sẽ không được thực hiện.
Mỗi ngày núi Bà Đen có hàng trăm khách du lịch đến tham quan nên mỗi người hãy giữ gìn môi trường chung bằng cách không vứt rác bừa bãi, để đồ đúng nơi quy định.
Trên đây là kinh nghiệm du lịch núi Bà Đen chi tiết từ A-Z mà SaoDaily muốn gợi ý cho các bạn. Chúc bạn và người thân của mình có những chuyến đi an toàn và thú vị nhất.
>> Du lịch Tây Ninh – Top những địa điểm có view check-in siêu đẹp, khu nghỉ dưỡng, ăn uống hiện đại