Đời Sống

Điều gì khiến trẻ vị thành niên tự kết liễu đời mình? Học cách phòng tự sát chưa bao giờ là muộn!

Minh Anh - 04/04/2022 17:28 GMT+7

Chúng ta thường nghĩ rằng "Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý" nhưng lại quên mất việc sống cho bản thân mình. Một cuộc sống đáng quý là được sống hạnh phúc, ý nghĩa, vui vẻ và không từ bỏ cơ hội tiếp tục được sống của chính mình.

Người lớn nào cũng từng là thiếu niên, nhưng rồi ta lớn lên và quên mất nó thực sự là như thế nào. Trẻ vị thành niên không chỉ non nớt trong việc quan sát bằng mắt thường mà còn trong chính các sợi thần kinh não của họ. 

Mỗi giai đoạn của cuộc đời, mỗi người đều có những suy nghĩ và cảm xúc khác nhau. Đặc biệt, ở lứa tuổi vị thành niên, “sự mạo hiểm, tìm kiếm sự mới lạ và quan hệ đồng trang lứa đều liên kết với nhau khi thiếu niên ở bên bạn bè”. Điều đó có nghĩa rằng, những đối tượng giống nhau sẽ có tác động đến nhau vô cùng mạnh mẽ. 

Giới trẻ dễ dàng bắt chước một kiểu tóc, một hành động hay cả cách giải quyết vấn đề của bất kỳ ai mà các em cho là phù hợp với mình. Liên hệ tới câu chuyện thời gian vừa qua có những em học sinh lựa chọn tự sát để giải thoát cho mình. Bạn nghĩ sao về những hành động này?

Thay vì chúng ta đào sâu vào những nỗi đau đang xảy ra, hãy hướng đến một điều tốt đẹp nhất cho thế hệ tương lai. Việc tìm ra giải pháp quan trọng hơn rất nhiều so với việc lan truyền clip, hình ảnh đau lòng về các nạn nhân và lên tiếng chỉ trích bậc phụ huynh. 

Liên quan đến những vụ việc đau lòng xảy ra gần đây, PGS.TS Nguyễn Phương Mai giảng dạy và nghiên cứu Giao tiếp/Quản Trị đa văn hoá tại Khoa Kinh tế thuộc Đại học Khoa Học Ứng Dụng Amsterdam, Hà Lan đã chia sẻ những giải pháp thiết thực để giải quyết vấn đề: 

Screen Shot 2022-04-04 at 17.15.18

Giải pháp mang tính tổng thể

"Những câu chuyện về tự tử có lẽ sẽ ngày càng diễn ra nhiều hơn. Theo báo cáo của UNICEF, tại Việt Nam, việc sống chung với gia đình và áp lực của môi trường sống chung khiến thanh thiếu niên tự tử nhiều hơn. Thật ngang trái bởi với những nạn nhân, gia đình không còn là nơi bình an mà trở thành môi trường độc hại. Sống chung không quan trọng bằng CHẤT LƯỢNG của sống chung.

Tuy nhiên, giải pháp không thể chỉ là việc hối thúc cha mẹ phải lắng nghe con cái. Bởi chính cha mẹ cũng là những nạn nhân hoang mang của áp lực nuôi con, áp lực xã hội. 

Chúng ta cần một cách tiếp cận tổng thể hơn, một cách tiếp cận đòi hỏi tất cả chúng ta phải chung tay.

1. Tầng cá nhân 

Ở tầng cá nhân, mỗi chúng ta cần tầm soát bản thân và những người thân yêu để vẽ nên một bức tranh cụ thể về các yếu tố có thể góp phần vào việc khiến bản thân ta hoặc một người trong gia đình có khả năng tự sát. 

Đó là tiền sử các vấn đề tâm lý như chứng biếng ăn, trầm cảm, rối loạn nhân cách. Các căn bệnh tâm lý này đóng góp tới 74% khả năng một người có thể tự sát. Khả năng ấy có thể bị trầm trọng thêm nếu người đó uống rượu hoặc dùng các chất kích thích khác. 

Đó là tiền sử có các suy nghĩ hành động liên quan đến tự sát. Một phần ba số người tự sát đã từng có hành động cố gắng rời bỏ cuộc sống, và khả năng này cao hơn gấp 30 lần nếu đó là một em trai. Nếu trong gia đình hoặc người thân, bạn bè có người từng tự tử, câu chuyện tự sát có khả năng bị bình thường hóa, và tỷ lệ tự sát cũng cao hơn. Có những gia đình con cái tự sát bị ảnh hưởng vì chính bố, mẹ từng tự sát. 

Cuối cùng, chúng ta cần tầm soát những yếu tố tính cách có khả năng đóng góp vào việc tự tử. Đó là lối suy nghĩ trắng đen rõ ràng, khả năng giải quyết vấn đề kém, trí nhớ hạn chế, thiếu tự tin hay nóng nảy. 

2. Tầng quan hệ xã hội 

Ở tầng quan hệ xã hội, giải pháp nằm trong tay các chủ thể trong quan hệ đôi lứa, gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp. 

Đó là khi ta tầm soát xem mình và những người quanh có ai phải chịu đựng bạo lực tinh thần, bạo lực thể xác, bạo lực tài chính không? Có ai thiếu thốn sự giúp đỡ và lắng nghe? Có ai căng thẳng và áp lực? Có ai buồn nản và muốn buông xuôi? Có ai bị bắt nạt, bị trêu đùa, bị xa lánh? Có ai mâu thuẫn gia đình và đang sống trong triền miên xung đột với chính những người thân yêu nhất? 

3. Tầng cộng đồng 

Ở tầng cộng đồng, trách nhiệm được đặt vào tay các nhà làm chính sách. Bức tranh tầm soát được nâng lên với việc nhận biết sự sẵn có của các thiết chế trợ giúp như chuyên gia tâm lý, đường dây nóng, các hội nhóm tương trợ, các nhà tình thương, các khóa học chữa lành, các chính sách đào tạo cho giáo viên về kỹ năng tâm lý, các khóa đào tạo cho học sinh về khả năng quản lý cảm xúc, các khóa đào tạo cho ba mẹ về khả năng tương tác với con, các tài liệu học lồng ghép vào chương trình chính khóa,…

Câu hỏi cho các nhà làm chính sách là: “Việt Nam đang ở đâu trong sự sẵn sàng của những thiết chế ấy?” Hay cụ thể hơn, ở những ngôi trường nơi có học sinh tự tử, ban giám hiệu đã nói gì, làm gì, hoạch định những gì sau khi sự việc xảy ra…hay họ chỉ im lặng chờ mọi việc như một con sóng xô qua? 

Ở mức cao hơn, Bộ giáo dục đã làm gì để giải quyết áp lực học hành, áp lực điểm số, áp lực thi đua, sự bất cập của hệ thống trường chuyên lớp chọn, sự vô lý của 100% học sinh giỏi khi tốt nghiệp nhưng tỷ lệ thất nghiệp, làm trái nghề và chất lượng lao động vẫn kém so với các nước láng giềng? 

Bức tranh tầm soát lớn cũng chỉ ra những cá nhân và nhóm người có nguy cơ cao như thanh thiếu niên, người có mức sống thấp, người nhập cư từ nông thôn ra thành phố, người không có bảo hiểm y tế xã hội… Bức tranh lớn cho ta thấy vấn nạn tự tử gắn liền với những bất công xã hội như phân biệt vùng miền, giới tính, sắc tộc, tôn giáo và khả năng tài chính. 

Ví dụ, cuộc khủng hoảng nhà ở tại Mỹ năm 2005 khiến số người tự tử tăng lên gấp hai, hay nâng mức lương tối thiểu theo giờ lên chỉ 1$ có thể giúp cứu sống 27.000 sinh mạng. Tương tự, tỷ lệ tử tự ở những sắc dân dễ bị tổn thương thường cao hơn số liệu trung bình trong một quốc gia. 

4. Tầng nhận thức xã hội 

Cuối cùng, bức tranh tầm soát ở mức cao nhất trong tầng nhận thức xã hội. Đó là nhiệm vụ của chính phủ, các nhà khoa học, giới truyền thông và hệ thống giáo dục. Chúng ta nhận ra sự yếu kém ở tầng này khi nhìn vào phản ứng của xã hội với người tự tử. 

Đó là khi trầm cảm và các chứng bệnh tâm lý bị coi là “làm màu” hay “bị điên”. Đó cũng là xu thế ngược lại, coi TẤT CẢ những người tự tử là những ca bệnh trầm cảm.

Cách nhận thức đơn giản này khiến chúng ta nhìn thấy BỆNH trầm cảm ở mọi nơi và đơn giản nó một cách thái quá. Ví dụ, buồn bã không có nghĩa là trầm cảm. Nó có lẽ giống với việc ta quen dùng từ "tự kỷ" khi thấy ai đó hơi thu mình. 

Điều này rất quan trọng trong một giải pháp tổng thể vì nếu quy tất cả thành trầm cảm, giải pháp sẽ chỉ dồn về việc chữa trị một căn bệnh. Trong khi đó, nguyên nhân tự sát không chỉ là một căn bệnh đơn lẻ. Rất nhiều áp lực, bất công và vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, ở nhiều tầng khác nhau (như ta đang liệt kê) đều có thể là lý do để người thân của chúng ta tìm đến cái chết. 

Sự thiếu hụt ở tầng nhận thức xã hội cũng là khi ta đổ lỗi cho nạn nhân. Đó là khi em sinh viên đeo đá nhảy sông tự tử thì ngoài những xót xa còn có không ít kẻ mắng mỏ người đã khuất là một đứa con ích kỷ, bất hiếu. Thậm chí có người kể rằng ở quê họ, chiếc roi mây được quất vào quan tài để trừng phạt kẻ bỏ lại cha mẹ già mà tự giải thoát cho bản thân. 

Nguy hiểm hơn, đó là khi truyền thông hồn nhiên đăng ảnh người đã khuất, thư tuyệt mệnh và clip nhảy lầu mà không hề có sự cho phép của gia đình. Sự thiếu hụt nhận thức ở tầng xã hội đến mức nhiều người không hiểu, hoặc chưa hiểu được rằng loan tin về tự tử như một câu câu chuyện gay cấn thực ra lại khiến những người đang có ý định tự tử quyết liệt hơn với hành động của mình. 

Đó là vì tự tử có tính lây lan (hiệu ứng Werther). Thanh thiếu niên học theo những gì người khác làm, nhất là khi một người nổi tiếng tự tử. 

Ví dụ, cái chết của Marilyn Monroe dẫn đến khoảng 200 vụ tự tử diễn ra chỉ trong vòng một tháng sau đó. Điều tương tự xảy ra với cái chết của Choi Jin Sil, khiến tỷ lệ tự sát vọt lên 162%. Hiện tượng này cũng được ghi nhận bởi những người lính, học sinh và nhiều tầng lớp xã hội khác. Đây chính là lý do mà series truyền hình Netflix "13 Reasons Why" phải biên tập lại hình ảnh nhân vật chính Hannah cắt cổ tay trong bồn tắm, và series này vẫn tiếp tục được nghiên cứu cẩn thận vì nỗi lo sợ có thể làm tăng tỷ lệ tự tử trong nhóm tuổi mới lớn". 

Vai trò của truyền thông trong phòng tự sát

Đứng trước những sự việc thời gian gần đây, đặc biệt là việc lựa chọn đăng tải thông tin liên quan đến những vụ tự sát ở trẻ vị thành niên. Dường như, một số phương tiện truyền thông đang có những bước đi chưa thật sự phù hợp. Vậy, làm thế nào để phát huy được vai trò của truyền thông trong việc phòng tự sát?

Hãy nắm ngay những thông tin mà GS Phạm Thị Thu Hương, đang công tác tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai đã truyền tải trên trang cá nhân của mình. 

Screen Shot 2022-04-04 at 17.15.35

“Mong các anh chị nhà báo, các bloggers, người dùng mạng xã hội hãy cùng đọc và góp một tay vào công việc phòng chống tự sát ở Việt Nam vì TỰ SÁT LÀ CÓ THỂ PHÒNG TRÁNH ĐƯỢC!

Tới 90% các ca tự sát có một rối loạn tâm thần nào đó ở thời điểm tự sát (Bertolote et al., 2004) nhưng trên thực tế phần lớn các ca tự sát chưa từng tới gặp nhà chuyên môn về sức khoẻ tâm thần bao giờ. Trầm cảm chiếm tới 50% trong các ca tự sát hay thử tự sát (Bachmann S, 2018). 

So sánh với dân số khoẻ mạnh thì những người bị trầm cảm có nguy cơ tự sát cao gấp 20 lần (De Berardis, et al., 2018). Điều này cũng lý giải vì sao Tổ chức y tế thế giới chỉ ra rằng trầm cảm là nguyên nhân chủ yếu gây gánh nặng và tàn tật cho con người tới năm 2030 (Lepine & Briley, 2011). Do vậy, bên cạnh các bệnh lý tâm thần khác, tập trung vào các phương pháp điều trị hiệu quả cho trầm cảm có thể đóng góp lý tưởng trong việc giảm nguy cơ tự sát, phòng các hành vi tự sát và cứu sống nhiều người.

Nhiều nhà khoa học chỉ ra rằng căng thẳng tâm lý xã hội (xung đột mối quan hệ cá nhân, khủng hoảng kinh tế, vấn đề sức khoẻ) hoặc suy giảm kĩ năng ứng phó với căng thẳng là những nguyên nhân chính của rối loạn tâm thần hoặc tự sát, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các rối loạn tâm thần (như trầm cảm..) là nguyên nhân chính gây suy giảm khả năng ứng phó với căng thẳng và tự sát. Thực tế, người bệnh trầm cảm có nhiều khả năng bị suy giảm chức năng nhận thức và do đó họ gặp khó khăn hơn trong việc giải quyết căng thẳng. 

Có một lưu ý ở đây khi mình học với Giáo sư mình và đọc quyển Suicidology – A comprehensive Biosychosocial Pespective của GS Ronald Marris – Trường Đại học South Carolina, Mĩ. GS nhấn mạnh rằng, trên 90% các ca tự sát có một rối loạn tâm thần không có nghĩa là nói rằng họ “điên”, loạn thần, không tỉnh táo, hoặc đang say (chỉ 5-10% có tâm thần phân liệt, và khoảng 1/3 hành động khi đang say/phê rượu/thuốc). Phần lớn những người tự sát có chẩn đoán rối loạn tâm thần có đầy đủ năng lực và khả năng trong việc hình thành ý định và kế hoạch tự sát. 

Do vậy, phần lớn người tự sát không phải là “điên”, họ biết những gì họ đang làm, đúng hay sai, họ nhìn tự sát như một cách giải quyết vấn đề (Maris, 2019). Vì vậy hãy đưa người bạn biết đang có khủng hoảng, hay có các dấu hiệu cảnh báo đến gặp một nhà chuyên môn về sức khoẻ tâm thần để đánh giá và nhận được sự trợ giúp kịp thời nhé! 

Bài này mình tập trung viết về quy tắc ứng xử của truyền thông và đó là một trong những cách phòng chống tự sát trong cộng đồng hiệu quả mà ở hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần của Việt Nam hiện nay chưa có một trung tâm phòng chống tự sát nào do nguồn lực chính phủ còn hạn chế. Nhưng ở các bệnh viện tâm thần từ trung ương tới địa phương ở đất nước mình, nơi đâu bạn cũng có thể tìm sự trợ giúp nhé!

Những nguyên tắc NÊN VÀ KHÔNG NÊN do Tổ chức y tế thế giới hướng dẫn khi báo cáo về tự sát đã được áp dụng nhiều nước trên thế giới và có ý nghĩa tích cực trong việc làm giảm tác động của việc tự sát: 

277768984_10159637980147978_463349825970548824_n

Một số đề xuất cho phương tiện truyền thông trực tuyến, các bloggers, người dùng mạng xã hội:

- Các blogger, nhà báo, các người sử dụng mạng xã hội có thể giúp giảm nguy cơ lan truyền tự sát bằng các bài đăng cung cấp liên kết tới các dịch vụ điều trị, những dấu hiệu cảnh báo và nguồn lực trợ giúp về tự sát.

- Bao gồm những câu chuyện về hy vọng và phục hồi, thông tin về cách vượt qua những ý tưởng tự sát và tăng kỹ năng ứng phó với căng thẳng. 

- Lan toả thông điệp để các nhà báo, người dùng mạng xã hội tuân theo các khuyến nghị về an toàn của mạng xã hội, các trang web nên giới hạn tính năng về việc lan truyền video/ảnh về các ca tự sát.

- Các trang mạng xã hội thường trở thành nơi tưởng niệm những người đã khuất và cần được theo dõi đối với những bình luận gây tổn thương và lưu ý những thông báo cho rằng những người khác đang có nguy cơ tự sát. Các nguyên tắc, chính sách và quy định của website có thể hỗ trợ việc xóa các bài đăng không phù hợp nhạy cảm.

Trước khi đăng bài hãy kiểm tra thông tin ở trên xem bài viết có phù hợp không và hãy thông báo về tự sát như một vấn đề sức khỏe cộng đồng để nâng cao ý thức và giảm kì thị về tự sát. 

Một số dấu hiệu cảnh báo tự sát mà tất cả chúng ta đều nên lưu ý và tìm đến sự trợ giúp hoặc đưa người có nguy cơ đi khám và sàng lọc về sức khoẻ tâm thần.

Các dấu hiệu cảnh báo tự sát: 

- Nói về việc muốn chết

- Tìm cách tự sát

- Nói về cảm giác tuyệt vọng hoặc sống không có mục đích

- Nói về cảm giác bị mắc kẹt hoặc đau đớn không thể chịu đựng được

- Nói về việc trở thành gánh nặng cho người khác

- Tăng sử dụng rượu hoặc ma túy

- Có những hành động lo lắng, kích động hoặc liều lĩnh

- Ngủ quá ít hoặc quá nhiều

- Thu rút hoặc cảm thấy bị cô lập

- Thể hiện sự giận dữ hoặc nói về việc tìm kiếm sự trả thù

- Thể hiện tâm trạng thất thường

Những dấu hiệu cảnh báo càng nhiều chứng tỏ nguy cơ càng cao. Dấu hiệu cảnh báo có liên quan mạnh mẽ tới việc tự sát nhưng hoàn toàn không phải là nguyên nhân gây ra tự sát. 

Bạn sẽ làm gì khi gặp người có nguy cơ tự sát?

- Không được để người đó ở một mình.

- Loại bỏ những vật dụng nguy hại, các vật sắc nhọn, hoặc địa điểm có nguy cơ cao.

- Gọi cho đường dây nóng ở các bệnh viện tâm thần gần nhất.

- Đưa người đó tới phòng cấp cứu hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà chuyên môn về sức khoẻ tâm thần".

Việc tự sát của bất kỳ ai, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên không phải chỉ là trách nhiệm của bản thân họ, gia đình. Đó còn là trách nhiệm của toàn xã hội, cả tất cả mọi người. Môi trường sống, gia đình, mối quan hệ, bạn bè, nhà trường,... tất cả đều có những tác động nhất định đến tâm sinh lý của mỗi đứa trẻ trong giai đoạn trưởng thành. 

Lắng nghe là điều cần thiết, nhưng không phải là giải pháp duy nhất cho tất cả những vụ việc đau lòng xảy ra gần đây. Giải quyết tình trạng là câu chuyện của cả một quá trình, cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Giúp người khác giải quyết vấn đề chính là cho bản thân mình một cơ hội để sống tốt đẹp hơn. 

Bài viết cho tham khảo thông tin từ: 

  1. Bài đăng của PGS.TS Nguyễn Phương Mai giảng dạy và nghiên cứu Giao tiếp/Quản Trị đa văn hoá tại Khoa Kinh tế thuộc Đại học Khoa Học Ứng Dụng Amsterdam, Hà Lan.
  2. Bài đăng của GS Phạm Thị Thu Hương, đang công tác tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai.
  3. Phim tài liệu The Mind Explained: Não của thiếu niên