Mục lục
- 1. Hà Nam nổi tiếng với gì?
- 2. Nên đi du lịch Hà Nam vào thời điểm nào?
- 3. Cách di chuyển đến Hà Nam
- 4. Những địa điểm du lịch Hà Nam níu chân du khách
- 4.1. Chùa Tam Chúc - Ngôi chùa lớn nhất thế giới
- 4.2. Chùa Địa Tạng Phi Lai - chốn 'bồng lai" ở Hà Nam
- 4.3. Chùa Long Đọi Sơn - "Đại danh lam" thời Lý
- 4.4. Đền Vũ Điện (Đền Bà Vũ) - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia
- 4.5. Đền Trần Thương - Ngôi đền thờ anh hùng Trần Hưng Đạo
- 4.6. Đền Lảnh Giang - Ngôi đền gắn với truyền thuyết Tam Vị Đại Vương
- 4.7. Đền Tiên Ông (Chùa Ông) - Ngôi đền thiêng nhất nhì Hà Nam
- 4.8. Nhà Bá Kiến - Làng Vũ Đại
- 5. Đặc sản Hà Nam nhất định phải thử
- 6. Gợi ý lịch trình du lịch Hà Nam 2 ngày 1 đêm
- 7. Một số lưu ý khi đi du lịch Hà Nam
1. Hà Nam nổi tiếng với gì?
Hà Nam là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng Việt Nam. Vì chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 1 tiếng xe chạy nên Hà Nam được xem là một trong những điểm đến ngắn ngày hoàn hảo và phù hợp nhất cho du khách.
Tuy nhiên, điều khiến cho Hà Nam được lòng du khách nhất đó chính là cảnh đẹp thiên nhiên đa dạng (chủ yếu là núi) cùng nhiều công trình kiến trúc lịch sử và du lịch tâm linh phát triển vượt bậc nơi đây. Đến với Hà Nam là đến với vùng đất của các anh hùng địa linh nhân kiệt như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, hay của thơ ca văn học Việt Nam thời xưa như nhà Bá Kiến, đền Bà Vũ (Vũ Thị Tuyết trong "Người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ)....
Hà Nam đẹp như vậy nhưng để chọn được thời điểm đẹp nhất để du lịch thì không phải ai cũng biết. Vậy bạn hãy tiếp tục lướt xuống dưới để có được đáp án cho câu hỏi này nhé!
2. Nên đi du lịch Hà Nam vào thời điểm nào?
Cảnh sắc thiên nhiên Hà Nam mang dáng vẻ hình hài khác nhau vào mỗi mùa trong năm, nhưng dù là thời điểm nào thì thiên nhiên nơi đây vẫn chưa bao giờ làm du khách thất vọng. Tuy nhiên, ở Hà Nam có rất nhiều điểm du lịch tâm linh cùng những hoạt động văn hóa giải trí đặc sắc nên bạn có thể cân nhắc thời gian cụ thể, ví dụ như với chùa Tam Chúc, mùa xuân khoảng tháng 2 và tháng 3 sẽ là lúc các lễ hội diễn ra nhiều nhất. Khi đó, bạn sẽ được trải nghiệm và hiểu hơn về đặc trưng bản sắc bản sắc con người nơi đây.
3. Cách di chuyển đến Hà Nam
Hiện giờ Hà Nam đang đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh như chùa Tam Chúc nên đường về Hà Nam cũng rộng rãi, cải thiện hơn rất nhiều. Hơn nữa, vì chỉ cách Hà Nội khoảng 60km nên du khách có thể dễ dàng lựa chọn một trong những cách di chuyển sau:
- Phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô riêng): phù hợp với những bạn muốn có trải nghiệm tự do và chủ động hơn hoặc với gia đình có con nhỏ, người lớn tuổi thì nên đi ô tô.
- Xe khách: vé xe khách từ Hà Nội về Hà Nam khoảng từ 50.000 - 60.000 đồng/lượt. Các tỉnh lân cận cũng đều có nhiều chuyến xe khách về Hà Nam, giá vé phụ thuộc vào khoảng cách đường đi
4. Những địa điểm du lịch Hà Nam níu chân du khách
4.1. Chùa Tam Chúc - Ngôi chùa lớn nhất thế giới
Địa chỉ: thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
Chùa Tam Chúc là một ngôi chùa thuộc Khu du lịch quốc gia Tam Chúc. Đây là khu du lịch có quy mô cực lớn, kết hợp giữa du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và nhiều dịch vụ khác.
Chiếm 144 hecta trong tổng diện tích hơn 5000 hecta của quần thể du lịch, chùa Tam Chúc được cho là ngôi chùa lớn nhất thế giới hiện nay và sở hữu vị trí đắc địa: lưng tựa núi Thất Tinh, mặt hướng hồ Tam Chúc với 6 hòn đá nổi lên mặt hồ, tạo nên một "vịnh Hạ Long trên cạn thứ 2" nổi tiếng khắp chốn.
Năm 2019, chùa Tam Chúc được chọn mặt gửi vàng làm nơi tổ chức đại lễ Phật Đản Vesak của Liên Hiệp Quốc, với sự tham gia của hàng ngàn tín đồ phật giáo nổi tiếng trên thế giới. Sự kiện này thực sự đã góp phần đưa hình ảnh Tam Chúc, hình ảnh của Hà Nam đến gần với du khách trong và ngoài nước hơn.
>>>Xem thêm: "Ghim vào tim" kinh nghiệm tham quan chùa Tam Chúc mới nhất từ A-Z
4.2. Chùa Địa Tạng Phi Lai - chốn 'bồng lai" ở Hà Nam
Địa chỉ: thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Địa Tạng Phi Lai Tự nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và hơn hết là cảm giác thanh tịnh, thoát tục và an yên mà nơi đây mang lại cho du khách mỗi khi tới thăm.
Chùa Địa Tạng Phi Lai được xây dựng trên một quả đồi với thế ngai vàng, lưng tựa núi, phía au là đồi thông xanh bạt ngàn, phía trước là những thửa ruộng rộng mênh mông. Xưa kia thuở đầu đã có rất nhiều vị vua chúa ghé thăm nơi đây để thưởng ngoạn cảnh đẹp.
Những năm gần đây, chùa thu hút lượng lớn du khách thập phương tới thăm, thậm chí là các bạn học sinh cũng tới đây chụp kỷ yếu concept cổ phục rất nhiều bởi chùa có vô vàn góc check-in siêu xịn.
>>>Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Địa Tạng Phi Lai Tự - chốn "bồng lai" ở Hà Nam.
4.3. Chùa Long Đọi Sơn - "Đại danh lam" thời Lý
Địa chỉ: Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
Chùa Long Đọi Sơn là một trong những chùa cổ nổi tiếng ở Hà Nam. Khi xưa, chùa Đọi được xếp hạng là "Đại danh lam" kiêm hành cung của thời Lý, đến thời Pháp từng được liệt vào hạng mục các cổ tích danh lam cần bảo vệ.
Trải qua hơn 1000 năm trên qủa núi Đọi, chùa rêu phong cổ kính lưu giữ nhiều cổ vật quý giá của thời Lý. Trong đó, quý giá nhất là cây tháp Sùng Thiện Diên Linh được vua Lý Nhân Tông xây dựng năm 118, hiện nay chỉ còn lại tấm bia cổ đặt trước tòa Tam Bảo (đã được công nhận là bảo vật quốc gia).
4.4. Đền Vũ Điện (Đền Bà Vũ) - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia
Địa chỉ: xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam
Đền Vũ Điện (hay còn gọi là đền Bà Vũ) có từ thế kỷ thứ XV, thờ bà Vũ Thị Thiết theo huyền tích "Người con gái Nam Xương"của Nguyễn Dư trong "Truyền kỳ mạn lục" dân gian tôn là "Thánh Mẫu", "Mẫu Hương Nương",...
Tương truyền vua Lê Thánh Tông đân quân đi dẹp Chiêm Thành, khi qua Đền Vũ Điện, sóng to gió lơn phải dừng lại và tình cờ nghe câu chuyện oan khuất của bà Vũ Thị Thiết đã rất cảm phục, đích thân vào đền thắp hương. Lần đó ra quân, ông đã được Bà Vũ phù hộ đại quân thắng lợi, khi trở về đã chiếu xuống ban cho dân làng tiền vàng sửa đền.
Bên cạnh giá trị lịch sử, đền còn có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, xây theo kiểu chữ "môn" khép kín, với 2 tầng mái vươn cao, nổi trội như một bông sen đang nở rộ. Đến nay, đền vẫn giữ được nét kiến trúc cổ cùng nhiều đồ thờ, cổ thư quý mang phong cách thời Hậu Lê sang thời Nguyễn như: khánh chuông đồng, pho tượng Bà Vũ, bức châm sơn son thiếp vàng (ghi bài thơ nôm vua Lê Thánh Tông ban tặng),...
Hằng năm cứ vào 19-21/8 âm lịch, ở đây thường có lễ hội đền Bà Vũ để tưởng niệm ngày mất của bà và cũng là dịp dân làng tế lễ cầu quốc thái dân an, an khang, thịnh vượng.
4.5. Đền Trần Thương - Ngôi đền thờ anh hùng Trần Hưng Đạo
Địa chỉ: Nghĩa trang nhân dân Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam
Đền Trần Thương là ngôi đền thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo cùng gia đình ông và các tướng lĩnh có công lớn tron công cuộc chống quân Mông - Nguyên. Bên trong đền có một cái giếng tên là giếng Ngọc - nơi táng tro cốt của Trần Hưng Đạo.
Đền được xây dựng theo hình chữ "Quốc" vuông vắn, trên thế đất thiêng "hình nhân bái tướng" và xây theo kiểu "Tứ thủy quy đường". Lễ hội đền Trần Thườn được tổ chức vào Rằm tháng Giêng và 20 tháng Tám (Âm lịch) hằng năm với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như lễ rước nước và thi bơi chải trên sông.
4.6. Đền Lảnh Giang - Ngôi đền gắn với truyền thuyết Tam Vị Đại Vương
Địa chỉ: thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Theo người dân địa phương lưu truyền, đền Quan lớn Lảnh Giang là nơi thờ tự Tam Vị Thủy Thần (3 vị tướng từ thời Hùng Vương thứ 18) và vợ chồng công chúa Tiên Dung - Chử Đồng Tử.
Dừng chân tại cổng đền, bạn sẽ thấy tòa Tam quan được xây theo kiểu chồng diêm tám mái đặc trưng của đền chùa Việt Nam. Nổi bật nhất là các đầu đao cong vút theo hình đầu rồng đắp nổi, đan xen mặt nguyệt , lá lật cách điệu mềm mại. Vào sâu bên trong, bạn sẽ thấy đền Lảnh Giang được xây dựng theo thiết kế nội công ngoại quốc bao.
Trong đền có nhiều cổ vật và vật dụng thờ giá trị như tượng công chúa Tiên Dung, tượng thờ 3 vị tướng thời Hùng Vương, kiệu bát cống long đình, một sập thờ và nhiều di vật có giá trị khác.
4.7. Đền Tiên Ông (Chùa Ông) - Ngôi đền thiêng nhất nhì Hà Nam
Địa chỉ: xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
Đền Tiên Ông được xây dựng từ đời vua Trần Nhân Tông trên lưng chừng núi Tượng Lĩnh, cao khoảng 200m giống hình con voi phủ phục, nằm trong hệ trống Bát Cảnh Sơn. Đây là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, ngoài dân địa phương còn có rất nhiều du khách thập phương đến thưởng ngoạn cảnh đẹp và lễ cầu an.
Nguồn: Báo điện tử Hà Nam
Đền được thiết kế theo hình chữ Tam, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian trung đường và 1 hậu cung. Tiền đường được kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái cong, 4 góc đầu dao hình rồng mềm mại, mái lợp ngói nam đều đặn. Tòa trung đường xây kiểu hồi văn cánh bảng tam đấu, hậu cung uốn vòm.
Ở đây còn lưu giữ nhiều sắc phong, thần phả và nhiều đồ thờ tự quý hiếm như hoành phi, đại tự, câu đối,... Đặc biệt, ở đây còn có 2 pho tượng, 1 bằng gỗ, 1 bằng đồng được thờ trong hậu cung.
4.8. Nhà Bá Kiến - Làng Vũ Đại
Địa chỉ: xóm 11, làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Ngôi nhà của Bá Kiến có tuổi đời hơn 100 năm, tọa lạc trên một khu đất rộng gần 900 m2 tại làng Đại Hoàng (hay còn gọi là làng Vũ Đại). Xưa kia khi xây dựng, ngôi nhà được hơn 20 thợ tài hoa làm nghề mộc ở phủ Lý Nhân về làm ròng rã gần 1 năm mới xong. Cũng chính vì vậy, ngôi nhà có kiến trúc rất độc đáo và vững chắc.
Nguồn: Báo Dân trí
Tuy đã trải qua cùng với năm tháng lâu như vậy nhưng mái ngói vẫn không bị dột nát, thậm chí đi trên mái cũng không sợ gãy vỡ. Trên các văng, kèo, li to vẫn còn nguyên nét chạm khắc tỉ mỉ của chữ nho và hình rồng.
5. Đặc sản Hà Nam nhất định phải thử
5.1. Thưởng thức tại quán
Cá kho làng Vũ Đại: Món ăn này nổi tiếng từ xuất xứ cho đến khâu chế biến công phu, tỉ mỉ với 10 loại gia vị tự nhiên. Thưởng thức mín cá này, bạn sẽ cảm nhận được độ đậm đà thẩm thấu trong từng thớ thịt cá, ăn với cơm phải nói là "hết nước chấm".
Bánh cuốn Phủ Lý: không quá mỏng như bánh cuốn Thanh Trì, bánh có độ dày vừa phải, ăn kết hợp với chả thịt nem nướng thay vì chả lụa và nước chấm phải đủ 4 vị. Bánh được tráng từ bột gáo tám xoan nổi tiếng nên có độ dai dẻo vừa phải. Bột bánh được ngâm gạn kỹ, thay nước thường xuyên nên bánh không lo có mùi chua.
Bún cá rô đồng: bún cá rô Hà Nam nổi tiếng đậm vị cá nhưng không ngấy vì nước dùng được ninh hoàn toàn từ xương xá ngọt thanh. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị béo giòn rụm của cá rô kết hợp với vị ngọt tự nhiên của các loại rau.
Chim to dần: đừng vội suy nghĩ sâu xa tên của món ăn này nhé! Sở dĩ gọi là "chim to dần" vì món ăn được bày trí với nhiều loại chim khác nhau, từ bé như chim sẽ cho đến to như vịt trời. Cách chế biến đơn giản nhưng đặc sản này lại vô cùng hút khách, nhất là xôi chim.
Thịt dê núi: Hà Nam phần lớn địa hình là rừng núi nên nơi đây luôn là địa điểm lý tưởng chăn thả dê. Cũng vì vậy mà thịt dê luôn ít mỡ, săn chắc mà giữ được độ dai vừa phải và nhiều đạm dinh dưỡng.
Chè bà Phóng: đến Hà Nam mà không ăn chè Bà Phóng thì quả là phí! Quán chè này có tuổi đời gần 20 năm, nổi tiếng với chè truyền thống mang hương vị đặc trưng như: chè khoai, chè bưởi, chè hoa cau,...
>>>Xem thêm: Top nhà hàng, quán ăn ngon Phủ Lý Hà Nam bạn không nên bỏ lỡ.
5.2. Mua về làm quà
Rượu làng Vọc: đây là loại rượu thường được dùng để tiến vua thời xưa. Rượu được nấu từ gạo nếp cái hoa vàng, ủ cùng 36 vị thuộc bắc bổ dưỡng nên rất phù hợp mua tặng cho bố, các bác, các chú.
Quýt Lý Nhân: nếu bạn ghé Hà Nam vào khoảng tháng 9 - tháng 10 âm lịch thì nhất định phải mua quýt Lý Nhân nhé. Thời điểm đó, quýt sẽ chín có màu vàng cam đẹp mắt, thịt quýt ngọt dịu, múi căng mọng và nhiều tép nước.
Hồng Nhân Hậu: không giống như các tỉnh khác, hồng Nhân Hậu có kích thước lớn, không hạt, da mỏng, bóng mịn và quả căng tròn. Khi mới ăn, bạn sẽ thấy ruột hồng ngọt lịm tan chảy ngay trong miệng.
Kẹo lạc Cham Cham: là một trong những bánh kẹo đặc sản Hà Nam, kẹo lạc Cham Cham gây thương nhớ cho người ăn bởi vị kẹo lạc béo bùi mà không quá ngọt, cắn 1 miếng là giòn tan trong miệng. Hơn nữa, kẹo được đóng hộp vô cùng cẩn thận nên bạn không lo bị hỏng trong quá trình di chuyển.
>>>Xem thêm: Review chi tiết đặc sản Hà Nam - Top món ăn níu chân khách du lịch.
6. Gợi ý lịch trình du lịch Hà Nam 2 ngày 1 đêm
Ngày 1: Tham quan các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nam
Sáng:
5h00: Xuất phát từ Hà Nội
7h00: Xe đến Phủ Lý. Bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi, gửi đồ ở khách sạn Phủ Lý và thưởng thức đặc sản bánh cuốn chả nướng Phủ Lý.
8h00: Bắt đầu hành trình khám phá Hà Nam. Bạn có thể chọn tham quan các điểm du lịch đặc sắc ở cùng 1 huyện trước như:
Trưa: 11h30: Nghỉ trưa và ăn uống.
Chiều: 14h00: Tiếp tục hành trình với các điểm đến
- Chùa Địa Tạng Phi Lai
- Đền Lảnh Giang
Tối: 17h30: Quay về khách sạn ở Phủ Lý, nghỉ ngơi và tối đi phố đi bộ Phủ Lý.
Ngày 2: Tham quan nhà Bá Kiến
Sáng - trưa: bạn có thể tham quan nhà Bá Kiến và trải nghiệm làm món cá kho.
Chiều: bạn có thể tham quan các làng nghề Hà Nam như làng nghề Trống Đọi Tam, làng mây tre đan Ngọc Động hoặc các thắng cảnh như Động Phúc Long, Ao Dong,...
>>>Xem thêm: Review chi tiết top địa điểm du lịch Hà Nam nên đi vào 2023.
7. Một số lưu ý khi đi du lịch Hà Nam
- Các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nam nằm rải rác ở nhiều nơi. Vì thế, bạn cần có lộ trình cụ thể, đi những đâu, đi như nào để đảm bảo khoảng cách và thời gian di chuyển hợp lý.
- Khi đến các khu du lịch tâm linh như chùa, đền, bạn cần ăn mặc lịch sự, kín đáo và không vứt rác bừa bãi để giữ cảnh quan du lịch.
Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm du lịch Hà Nam: Ăn gì? Chơi gì? mà Saodaily gợi ý cho bạn. Hy vọng sau bài biết này, bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời tại Hà Nam!