Với một nửa đất nước là vùng đất thấp, âm nhiều mét so với mực nước biển, Hà Lan chính là quốc gia có phần lãnh thổ thuộc dạng thấp nhất thế giới. Theo đó, gần 1/3 diện tích và 2/3 dân số của Hà Lan đang nằm thấp hơn mực nước biển.
Vùng trũng nhất của Hà Lan ở dưới mực nước biển tới 6,74m, đó là một thị trấn nhỏ thuộc thành phố Rotterdam. Bản thân tên gọi "The Netherlands" cũng có nghĩa "những vùng đất thấp". Theo thống kê, có đến 2/3 diện tích quốc gia này nằm ở khu vực dễ ngập lụt.
Chính vì thế, đất nước này đã cho ra đời một kế hoạch xây dựng các công trình đê biển, kè biển, cầu cống…mang tầm vóc và quy mô vĩ đại. Đây là hệ thống phòng hộ duy nhất chống lại sóng biển trên thế giới.
Nơi đây thậm chí còn được bình chọn là một trong 10 công trình vĩ đại nhất hành tinh bên cạnh kim tự tháp Ai Cập, đường hầm qua eo biển Manche, kênh đào Panama…
>> Ghé quốc gia này từ ngày 1/6, du khách được tặng đến 200 Euro cho một kỳ nghỉ
Hiện nay, Hà Lan đã phát triển những đập nước di động để tăng hiệu quả ngăn lũ nhưng vẫn đảm bảo giao thương đường thuỷ. Các đê chắn sóng thông minh là phương pháp bảo vệ phần đất liền thấp hơn mực nước biển của quốc gia này.
Hà Lan còn được biết đến là quốc gia có hình dáng thay đổi liên tục. Trước đây, Amsterdam là một đầm lầy than bùn, Rotterdam là vùng đồng bằng ngập lụt. Trong đó, Zeeland và Flevoland là những ví dụ điển hình cho việc thay đổi cấu trúc hình dáng của đất nước này.
Các con đê và hệ thống thoát nước được xây dựng và phát triển đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ đất nước có vùng lãnh thổ thấp hơn mực nước biển này.