Mục lục
- 1. Top 7 địa điểm du lịch nhất định phải tham quan khi đến Mù Cang Chải
- 1.1. Ruộng bậc thang ở La Pán Tấn, Chế Cu Nha
- 1.2. Cung đường đèo quanh co của Đèo Khau Phạ
- 1.3. Thị trấn Tú Lệ: Tìm hiểu tập tục thiêng liêng của người Thái
- 1.4. Khám phá “tứ đại hiểm trở” tại Bản Lìm Mông
- 1.5. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Pú Nhu
- 1.6. Hồ Thác Bà: một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất nước ta
- 1.7. Du lịch Làng văn hóa Ngòi Tu
- 2. Nên đến du lịch Mù Cang Chải vào thời điểm nào?
- 3. Những lưu ý khi đến du lịch tại Mù Cang Chải
1. Top 7 địa điểm du lịch nhất định phải tham quan khi đến Mù Cang Chải
1.1. Ruộng bậc thang ở La Pán Tấn, Chế Cu Nha
Chế Cu Nha là một xã của huyện Mù Cang Chải. Đường đi đến đây dốc, nhiều khúc cua nên chỉ thích hợp với những bạn thích mạo hiểm, “nghiện” xê dịch. Cách trung tâm huyện khoảng 7km, khi di chuyển đến đây, bạn sẽ trực tiếp nhìn thấy những ruộng bậc thang có hình mâm xôi.
Hàng năm nơi đây đón tiếp hàng nghìn khách đến khám phá nên từ cuối 2007, Chế Cu Nha đã được Bộ VH,TT&DL xếp hạng Di tích danh thắng cấp Quốc . Năm 2018, ruộng bậc thang Chế Cu Nha đã được Telegraph - tờ báo nổi tiếng của Anh công bố nằm trong top 12 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới.
Ngoài đến đây trải nghiệm cách bà con trồng và thu hoạch lúa, bạn còn có cơ hội tham gia vào các lễ hội đậm chất văn hóa của người dân tộc Mông như: chọi dê, hội giã cốm, hội chợ ẩm thực, dù lượn “Bay trên mùa vàng” và “Bay trên mùa nước đổ” tại đỉnh Khau Phạ,…
1.2. Cung đường đèo quanh co của Đèo Khau Phạ
Đèo Khau Phạ nằm trong top tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc. Địa điểm du lịch này luôn khiến mọi người tò mò vì có rất nhiều cung đường cheo leo, mây trắng xóa, sương mờ phủ kính lối đi. Theo tiếng dân tộc, Khau Phạ có nghĩa là “Sừng Trời” (chiếc sừng núi nhô lên tận trời) với chiều dài hơn 30 km, độ cao 1.200 m so với mực nước biển.
Do nằm gần với vùng nước biển nên một ngày ở đây có đến 4 mùa. Tuy nhiên, thiên nhiên ở đây “chiều lòng” khách du lịch nhất có lẽ vào tháng 9 đến tháng 10. Vì khí hậu lúc này mát mẻ, dễ chịu cộng thêm vẻ đẹp siêu cuốn hút của những cánh đồng lúa chín khiến các dân phượt vô cùng mê mẩn. Nếu đã đến đây rồi thì cũng đừng quên tham gia hoạt động nhảy dù ở độ cao 1.200 m nhé!
1.3. Thị trấn Tú Lệ: Tìm hiểu tập tục thiêng liêng của người Thái
Thị trấn Tú Lệ là tọa lạc trên quốc lộ 32, nằm sát sườn đèo Khau Phạ, thuộc huyện Văn Chấn của tỉnh Yên Bái. Nơi đây nổi tiếng có những dãy núi cao nối chồng lên nhau, những dòng suối nước nóng tự nhiên cùng những thửa ruộng bậc thang đẹp như một bức tranh được vẽ ra từ người họa sĩ nổi tiếng.
Tháng 9 đến đây, di chuyển dọc trên con đường bạn sẽ cảm nhận được hương thơm của cốm - một đặc sản của vùng đất này mà bất kỳ ai đến đây cũng muốn được thưởng thức. Ngoài cốm thì nếp dẻo, gạo thơm cũng là những món quà đặc biệt mà ông trời ban tặng riêng cho người dân địa phương nơi đây.
Thị trấn Tú Lê còn nổi tiếng với nhiều phong tục thiêng liêng. Trong đó văn hóa “tắm tiên” tại dòng suối nóng là được nhiều người biết đến nhiều nhất. Từ xa xưa, người Thái ở thị trấn này đã xem dòng suối khoáng là một phương thuốc thần kỳ vì có thể chữa được bách bệnh. Nếu người ốm cho uống vào thì ngày mai khỏe luôn, các cô gái muốn xinh đẹp thì lấy nước về tắm để có được làn da trắng sáng,…
1.4. Khám phá “tứ đại hiểm trở” tại Bản Lìm Mông
Bản Lìm Mông thuộc xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Nơi đây còn được mọi người gọi với cái tên khác đó chính là “tứ đại hiểm trở” vì có rất nhiều cung đường hiểm trở chỉ dành cho những ai thích mạo hiểm. Bước vào bản bạn không chỉ được chiêm ngưỡng một không gian yên bình của núi rừng mà còn được tham gia vào các hoạt động văn hóa của đồng bào người Mông như: gầu Tào, đua ngựa, ném pao...
Vào tháng 9 hàng năm, Bản Lìm Mông sẽ tổ chức festival dù lượn “Bay trên mùa vàng”. Những năm đầu tổ chức chỉ có sự tham gia của 30 phi công và gần 1.000 khách tham gia, trải qua nhiều năm, đến nay sự kiện đã thu hút hơn 200 phi công và gần 20.000 du khách mỗi năm.
1.5. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Pú Nhu
Nằm trong bản Pú Nhu, thuộc xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, dòng thác này ngày đêm chảy tạo nên một bản nhạc vô cùng lãng mạn giữa núi rừng Tây Bắc. Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Lào Cai, Sơn La đổ về nên nước ở đây vô cùng sạch, không có mùi rất thích hợp để đến đây check-in và tắm mát. SaoDaily gợi ý cho bạn là hãy thuê trang phục của người Mông để mặc và chụp hình vì giá rất rẻ chỉ với 50.00vnđ/người.
Thác Pú Nhu có chiều cao khoảng 20m, bên dưới chân thác có một cái hồ tên là Rồng. Theo người Mông kể lại, đây là con thác rất thiêng, có nhiều câu chuyện được kể lại trong đó nổi tiếng nhất đó là có một con rồng đang ngủ dưới lòng hồ, nước của dòng thác chính là do con rồng phun ra.
1.6. Hồ Thác Bà: một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất nước ta
Mù Cang Chải nổi tiếng với nhiều địa điểm du lịch trong đó phải kể đến Hồ Thác Bà. Vẻ đẹp của nơi đây được ví như “vịnh Hạ Long trên núi” và cũng được bình chọn là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất nước ta.
Hồ Thác Bà không chỉ là nơi cung cấp điện lưới cho quốc gia mà còn là địa điểm du lịch khiến ai đến cũng phải say mê “quên lối về”. Với diện tích mặt hồ lên đến 23400ha, nước trong xanh, cây cối xung quanh tươi tốt nên quả thật đây chính là địa điểm thích hợp để thư giãn vào những dịp cuối tuần.
1.7. Du lịch Làng văn hóa Ngòi Tu
Làng văn hóa Ngòi Tu tọa lạc tại xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Khác với những địa điểm du lịch khác thì nơi đây có rất nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, chiếm số đông là người Dao. Chính vì thế, những ai thích tìm hiểu các nền văn hóa dân tộc thì đến đây quả là vô cùng thích hợp.
Với tổng diện tích là 2km2, làng văn hóa Ngòi Tu có một phần là đất liền, nửa còn lại tiếp giáp mặt hồ nước nên thiên nhiên ở đây vô cùng đa dạng. Bước chân vào làng, bạn sẽ được người dân tiếp đón nồng nhiệt, nhiều người còn rất vui vẻ kể cho bạn những câu chuyện liên quan đến cuộc sống hằng ngày của họ. Đến đây vào dịp lễ, Tết bạn còn có cơ hội tham gia vào các hoạt động giải trí như: lễ cấp sắc, nhảy lửa, đẩy gậy, kéo co, tham quan các hộ gia đình làm nghề đan rọ tôm, dệt, thêu hoa truyền thống,…
>> Xem thêm: Đặc sản Mù Cang Chải – Top những món ăn thơm ngon, lạ miệng, giá bình dân níu chân khách du lịch
>> Xem thêm: Homestay Mù Cang Chải – Review chi tiết top những nơi có view đẹp, phòng rộng, giá thuê bình dân
2. Nên đến du lịch Mù Cang Chải vào thời điểm nào?
Mù Cang Chải là nơi thường xuyên xảy ra thiên tại, cụ thể là những cơn lũ quét lũ ống lịch sử khiến sinh hoạt của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Chính vì lý do trên mà khách du lịch nên tránh mùa lũ này ra nhé! Còn để chiêm ngưỡng Mù Cang Chải đẹp nhất thì nên đi vào mùa nước đổ và mùa lúa chín.
Mùa nước đổ vào tháng 5 và tháng 6: Thời điểm này thích hợp để người dân làm lúa trên những cánh ruộng bậc thang vì lúc này là khoảng thời gian có lượng mưa lớn nhất trong năm. Nước được đổ đầy ở trên cao sau đó tràn xuống các ruộng dưới cùng. Khi lượng nước đã đủ người dân bắt đầu xuống ruộng cấy. Nét đẹp của thiên nhiên và sự chăm chỉ của người dân nơi đây đã được các nhiếp ảnh gia lưu lại rất nhiều.
Mùa lúa chín tháng 9 và tháng 10: Đến đây vào thời điểm mùa thu, bạn sẽ nhìn thấy được cánh đồng lúa vàng ươm cùng nụ cười hạnh phúc của người dân khi được thu hoạch lúa sau thời gian dài chăm sóc. Chưa kể, khi ghé thăm Mù Cang Chải vào thời điểm này bạn còn có cơ hội được thưởng những bát cơm thơm ngon từ những hạt gạo mới.
3. Những lưu ý khi đến du lịch tại Mù Cang Chải
Hãy chuẩn bị cho mình một tấm bản đồ vì lên trên Mù Cang Chải Google Maps sẽ không hoạt động tại các khu vực vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều đồi núi.
Mù Cang Chải nổi tiếng với những con đường “tử thần” nên mọi hành trình đều phải hết sức cẩn thận. Những bạn nào di chuyển bằng xe máy thì hãy đảm bảo cầm lái thật chắc chắn.
Trước khi đi hãy chuẩn bị đầy đủ quần áo, thuốc, tiền và các giấy tờ tùy thân,… để có một hành trình khám phá Mù Cang Chải thuận lợi nhất.
Trên đây là kinh nghiệm đi du lịch Mù Cang Chải mà SaoDaily muốn chia sẻ với bạn đọc. Với những bạn chưa bao giờ đặt chân đến đây thì hãy đọc bài viết thật kỹ để có một chuyến đi vui vẻ và an toàn nhất.