Đời Sống

Tấm vé cuối ngày về với bố bị tai biến của chàng trai khuyết tật và câu chuyện ấm tình đồng bào phía sau

Khánh An - 02/06/2021 13:05 GMT+7

Câu chuyện về chàng trai khuyết tật làm nghề bán vé số được các nhân viên sân bay giúp đỡ bay chuyến cuối ngày về với bố bị tai biến dù không có giấy tờ và trong túi chỉ có vỏn vẹn 350.000 đồng đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội khiến nhiều cư dân mạng xúc động.

Sân bay Tân Sơn Nhất buổi chiều cuối cùng của tháng 5 vắng vẻ vì dịch bệnh. Đứng trước quầy vé giờ chót, Nguyễn Quốc Phương – chàng trai quê Kim Động, Hưng Yên khẩn khoản trình bày với cô nhân viên bán vé: “Em đi xe đò vào TP HCM cách đây 3 năm, bán vé số dạo để gởi tiền về quê. Cha em bị tai biến, hôm nay ra sân bay mua vé về quê gấp nhưng bị từ chối vì em không có giấy tờ hợp lệ. Em là người khuyết tật, không có đôi bàn tay nên không làm chứng minh nhân dân được. Anh chị thương giúp em với!”

Quốc Phương vào Sài Gòn được 3 năm. Hàng ngày, anh đi bán vé số dạo để gửi tiền về quê cho bố mẹ. Vì bị cụt tay, không có vân tay nên không làm được giấy chứng minh nhân dân mà chỉ có giấy chứng nhận khuyết tật. Không có giấy tờ tùy thân nên mỗi lần về quê anh Phương đều phải đi xe khách.

b1
Anh Nguyễn Quốc Phương (bên phải) làm thủ tục check-in chuyến bay cuối ngày về quê vào chiều tối 31/5. Ảnh: Thu Thảo

Xúc động trước câu chuyện của anh Phương, nữ nhân viên quầy vé Lương Thị Thu Thảo đã sang hỏi trưởng ca, nhờ báo cáo với bộ phận an ninh và cấp trên về “hành khách” đặc biệt mà mình đang tiếp đón.

Dù biết rất khó, nhưng chỉ có một tia hi vọng thì trưởng ca Nguyễn Đoàn Trí vẫn muốn thử. Anh Trí chụp lại giấy chứng nhận khuyết tật do UBND xã cấp để trình bày với bên an ninh sân bay, xin được “giải quyết linh động”. “Được em!”, câu trả lời đồng ý ngắn gọn nhưng ấm áp của an ninh sân bay thắp lên niềm hy vọng cho 2 con người xa lạ.

Sau khi lo xong giấy tờ hỗ trợ bay, đến khi làm thủ tục mua vé thì anh Phương khựng lại hỏi: “Vé bây giờ nhiều tiền không?”. Thu Thảo báo vé thấp nhất cho chuyến bay lúc 17h50 về sân bay Nội Bài, Hà Nội là 900.000 đồng. Anh Phương khó nhọc vét từng tờ tiền lẻ trong túi, vừa tròn 350.000 đồng. “Đợi em đi xe ôm về quận 7 vay bạn thêm tiền rồi quay lại mua vé”, anh Phương nói.

b2
Anh Phương vét trong túi tất cả số tiền mình có chỉ vỏn vẹn 350.000 đồng. Ảnh: Thu Thảo

Thấy vậy, anh Trí, chị Thảo cùng các nhân viên sân bay kéo Phương lại vì biết chắc nếu anh đi thì sẽ lỡ mất chuyến bay cuối cùng này. Anh Trí gửi lại Phương số tiền 350.000 đồng rồi cùng đồng nghiệp gom lại mua vé tặng Phương, còn dư một chút thì nhét thêm vào túi cho Phương làm lộ phí về quê. Ngay lập tức, tấm vé cuối cùng mang tên Nguyễn Quốc Phương được xuất ra.

Anh Trí gọi điện báo cáo cho Trưởng Đại diện ca, chị nói để chị gặp và biếu thêm cho Phương chút lộ phí nữa. Anh Trí nhận vé, hướng dẫn Phương lên phòng chờ, anh Phương tần ngần một lúc rồi xin tên của tất cả mọi người, bịn rịn nói lời cảm ơn. Đêm đó, sau khi đáp xuống sân bay Nội Bài, anh Phương đã đi xe khách về đến nhà lúc 21h30.

Sân bay Tân Sơn Nhất chiều nay vẫn chưa hết vắng vẻ, nhưng không cô quạnh. QH244 chiều nay đã chở một vị khách đặc biệt. Hạnh phúc của nghề nghiệp chúng tôi không chỉ nằm ở việc bạn đồng hành với hành khách mọi nơi, mọi lúc. Hạnh phúc còn là vì bạn nỗ lực không bỏ bất kỳ hành khách nào lại phía sau”, anh Trí tâm sự.

Câu chuyện trên đã được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội vài ngày qua và khiến rất nhiều người khâm phục vì tấm lòng “lá lành đùm lá rách” của đội ngũ nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Dịch bệnh có thể khốc liệt, nhưng chính trong hoàn cảnh ngặt nghèo ta mới thấy được tấm lòng đáng quý, thấy được hai chữ “đồng bào” thiêng liêng biết bao.

>>> Tin nên đọc:

Bắc Giang: Xúc động lời tâm sự của “người hùng” tiếp tế 10.000 gói băng vệ sinh cho chị em ở khu cách ly

Thử nghiệm “bộ đồ bảo hộ lắp quạt gió làm mát” cho các y bác sĩ ở tâm dịch Bắc Giang

Xót xa cảnh nữ tình nguyện viên ngất xỉu vì liên tục dỡ hàng tiếp tế giữa cái nắng gần 40 độ