Cách đây vài ngày, chị T.N, trú tại Hà Đông, Hà Nội tá hỏa khi nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, thông báo gia đình nợ tiền điện kỳ thanh toán tháng 6/2021.
Chị N cho biết: “Tôi đang làm việc tại cơ quan thì nhận được cuộc gọi báo tôi nợ tiền điện mấy triệu đồng, mà chính tôi mới nộp hơn 1 tuần trước. Đầu dây bên kia hướng dẫn tôi bấm phím số 9 để thanh toán. Ban đầu tôi cũng lo lắng, vì đang nắng nóng đỉnh điểm mà bị cắt điện thì làm thế nào, nhưng bình tĩnh lại tôi thấy nghi ngờ nên cúp máy”.
Điều bất ngờ là dù không làm theo hướng dẫn nhưng gia đình chị N vẫn không bị cắt điện. Xem lại hóa đơn thanh toán trực tuyến, chị N cảm thấy may mắn khi mình không bị đối tượng xấu lừa đảo.
Không riêng chị N, rất nhiều người dân đã phản ánh tình trạng trên đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Các đối tượng lừa đảo thường giả danh cơ quan chức năng, nhân viên ngành điện lực để “đòi nợ tiền điện”, “dọa cắt điện nếu không nộp tiền”,… ép người tiêu dùng nhanh chóng thanh toán tiền điện hoặc chuyển tiền vào tài khoản được cung cấp.
Nhiều người “nhẹ dạ” đã mắc bẫy của kẻ lừa đảo, thực hiện chuyển tiền theo yêu cầu để không bị cắt điện khi thời tiết đang nắng nóng, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Ngoài mạo danh nhân viên ngành điện, đối tượng xấu còn đóng vai Cục Cảnh sát Giao thông để thông báo, yêu cầu nộp tiền vi phạm giao thông; giả danh nhân viên nhà mạng đòi cước điện thoại,…
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, chỉ tiếp nhận thông tin từ các kênh chính thống được ngành điện lực công bố, tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc chuyển tiền vào các tài khoản lạ khi chưa tiến hành xác minh thông tin.
Đối với người tiêu dùng bị kẻ xấu lừa đảo, cần nhanh chóng gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ giải quyết, thu hồi lại tài sản bị chiếm đoạt.
Khi nhận được cuộc gọi mạo danh như trên, người tiêu dùng cần thông báo ngay cho ngành điện lực qua các kênh chăm sóc khách hàng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo An ninh Thủ đô
>>> Tin nên đọc: