Đời Sống

Hà Nội: Số ca mắc Covid-19 chưa giảm nhiệt, có thể giãn cách thêm ít nhất 1 tuần

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị - 20/08/2021 15:47 GMT+7

CDC Hà Nội nhận định, số ca bệnh giảm chỗ này nhưng lại tăng chỗ khác, tình hình khá phức tạp. Thành phố có thể phải giãn cách thêm ít nhất một tuần nữa, nhất là qua ngày Quốc khánh 2/9.

Sáng 20/8, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội đánh giá, số lượng ca nhiễm tại Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

"Ca bệnh giảm chỗ này nhưng lại tăng chỗ khác, tình hình khá phức tạp. Theo tôi, thành phố có thể phải giãn cách thêm ít nhất một tuần nữa, nhất là qua ngày Quốc khánh 2/9", ông Tuấn nói và cho biết CDC sẽ cần thêm kết quả về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong một, hai ngày để có cơ sở tham mưu cho thành phố về việc nới lỏng hay tiếp tục giãn cách xã hội.

Sáng nay, Hà Nội ghi nhận thêm 14 ca Covid-19, nâng tổng số ca trong đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 29/4 đến nay lên 2.423 ca.

Dịch lan ra 30/30 quận, huyện, thị xã, nhiều nhất là huyện Đông Anh (322 ca), sau đó huyện Thanh Trì (264 ca) và quận Đống Đa (261 ca). 3 huyện có số ca nhiễm thấp nhất là Phú Xuyên (8 ca), Ba Vì (8 ca) và Chương Mỹ (9 ca).

Hà Nội có nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây, nhiều ổ dịch diễn biến phức tạp. Giai đoạn từ ngày 1/8 đến nay, thành phố ghi nhận 1.249 ca, trong đó 73 ca sàng lọc ho sốt ngoài cộng đồng; 1.015 ca ho, sốt thứ phát. 26 ca sàng lọc ở khu vực nguy cơ cao, 3 F0 sàng lọc thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao và 132 F0 thuộc các nguồn lây khác.

d1
CDC Hà Nội nhận định có thể thành phố phải giãn cách ít nhất 1 tuần nữa. Ảnh: Kênh14

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Bệnh viện Medlatec nhận định, tình hình dịch ở Hà Nội đã có chiều hướng giảm trong 2 tuần vừa qua, đặc biệt những ngày gần đây, số lượng ca mắc bắt đầu giảm. Ông đánh giá cao việc Hà Nội tổ chức xét nghiệm diện rộng với số lượng mẫu rất lớn.

"Hà Nội xét nghiệm nhiều, nhưng số lượng F0 giảm xuống. Điều này chứng tỏ dịch đang có xu hướng đi xuống, tuy nhiên chưa thực sự bền vững. Do đó, thành phố phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay", GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đánh giá Hà Nội không thể đưa số ca bệnh về không ngay lập tức, nhưng đã hạn chế, cắt đứt được nguồn lây. Ông cho rằng nguy cơ của Hà Nội vẫn rất cao. Qua việc sàng lọc cho thấy vẫn có các F0 rải rác, lẩn khuất trong cộng đồng, do đó việc giãn cách, thực hiện nghiêm 5K là biện pháp vô cùng quan trọng để cắt đứt nguồn lây.

Bên cạnh đó, những nguy cơ lây nhiễm từ các chuỗi như ngân hàng, bưu điện, shipper, đơn vị cung cấp hàng hóa vào siêu thị,… cũng cần phải được tập trung có biện pháp, không để lây lan. Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng phong tỏa chưa chặt, người dân trong khu vực phong tỏa vẫn gặp gỡ, đi chợ trong khu vực.

Để quyết liệt phòng dịch hơn nữa, PGS.TS Trần Đắc Phu kiến nghị thành phố cần tiếp tục xét nghiệm diện rộng có chỉ định, tập trung các đối tượng, địa bàn nguy cơ.

"Từ lâu chúng tôi rất lo ngại nhóm đối tượng này vì họ hay tiếp xúc và thường tiếp xúc nhiều người, rất dễ nhiễm bệnh. Qua các đợt dịch trước, không hiếm những ổ dịch bùng phát từ 13 nhóm người này. Hà Nội nên ưu tiên xét nghiệm và tiêm vaccine cho họ", GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, trước câu hỏi "Hà Nội có cần kéo dài thời gian giãn cách nữa không?", thì phải đợi theo dõi tình hình dịch bệnh 2, 3 ngày tới. Ông nói, trong bối cảnh thành phố xét nghiệm diện rộng như hiện nay mà tỷ lệ F0 giảm đi, có thể cân nhắc tạm thời kết thúc giãn cách. Tuy nhiên, đợt lễ 2/9 sắp tới, thành phố cần xem xét thận trọng.

"Nếu số lượng F0 tăng và tăng nhiều hơn sau chiến dịch xét nghiệm diện rộng lần 2, Hà Nội có lẽ phải tiếp tục giãn cách", vị giáo sư nhấn mạnh.

>>> Tin nên đọc:

Hà Nội: Đi tập thể dục bị công an “tóm”, người đàn ông ôm bụng, đòi về nhà giải quyết "nỗi buồn"

Hà Nội: Phát hiện người đàn ông chết trong tư thế treo cổ mắc Covid-19

Hà Nội: 1 nhân viên chuyển phát nhanh cùng bố, mẹ và em gái mắc Covid-19 chưa xác định rõ nguồn lây