Chị Nguyễn Thị Kim Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ khi gia đình mắc F0, chị Kim Anh nghĩ chọn các món ăn giàu đạm để tăng cường sức khoẻ. Chị sử dụng nõn tôm chế biến nhưng mẹ chồng không cho ai ăn vì bà bảo ăn tôm bị ho, vậy là đĩa tôm đành bỏ.Không chỉ có tôm mà ngay cả cá cũng không góp mặt trong mâm cơm của những ngày F0. Đến nay, đã âm tính cả tuần nhưng trong nhà vẫn khẩu hiệu không ăn thực phẩm tanh, tôm cá.
Trường hợp khác, chị Đào Thu Thuỷ (Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ chị mắc Covid-19 đã âm tính nhưng thi thoảng hơi ho khan. Bữa cơm tối, chị Thuỷ làm món tôm cho cả gia đình. Ngay tối hôm đó, hai vợ chồng chị bị những cơn ho “nổ đom đóm mắt”. Chị Thuỷ kể cơn ho rất khủng khiếp trong khi trước đó cả hai vợ chồng đều dứt ho 1, 2 hôm và ăn tôm nên bị ho lại.
Trên diễn đàn "Những bệnh nhân F0" mọi người cũng chia sẻ về việc ăn gì khi bị F0 trong đó tránh tôm, cua, hải sản để không bị ho và giàu đạm quá khó tiêu.
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện An Việt, ho cũng là một triệu chứng thường gặp khi mắc Covid-19. Các nhà khoa học ghi nhận phần lớn những người mắc bệnh có triệu chứng ho khan khá phổ biến, triệu chứng ho đờm cũng có thể xảy ra.
PGS An cho rằng ho là phản ứng bình thường của cơ thể để đẩy các vật lạ ra khỏi phổi hoặc cổ họng. Tuy nhiên, nếu trường hợp ho kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, sức khoẻ cho cơ thể như gây đau rát họng, đau đầu, viêm tai giữa, mất ngủ. Quan điểm kiêng tôm, cá, cua khi bị ho, PGS An cho rằng từ xa xưa dân gian vẫn kiêng tôm, cá là có cơ sở vì tôm cua gây ho do phần vỏ và càng của tôm, vảy cá có thể gây ho do kích ứng niêm mạc đường hô hấp và khả năng dễ bị mắc, dính ở cổ họng, gây ngứa, ho.
Với các loại tôm nhỏ không thể bỏ vỏ thì khi ăn vào có thể gây ho làm cơn ho dữ dội hơn. Tuy nhiên, PGS An cho biết F0 không cần kiêng tanh hoàn toàn vẫn có thể ăn thịt của tôm, thịt cá… Bởi vì, chất tanh không phải là nguyên nhân gây các cơn ho hoặc khiến cơn ho nặng thêm. Người mắc Covid-19 bị ho không nên quá lo lắng kiêng hoàn toàn chất tanh.
Với những người bị ho, bác sĩ An lưu ý hạn chế ăn đồ lạnh sẽ gây kích thích cổ họng khiến triệu chứng ho càng nặng nề. Nếu bạn uống nước lạnh cơ thể sẽ dễ bị nhiễm lạnh gây tổn thương cho phổi mà bệnh ở phổi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ho.
Hạn chế đồ chiên rán lúc này có thể tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, làm cho việc tiêu hóa kém đi, từ đó dịch đờm tăng thêm nhiều hơn và bệnh ho càng lâu khỏi.
PGS An khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không dùng kháng sinh, khán viêm khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Thực tế, có nhiều bệnh nhân lo ngại Covid-19 "tấn công phổi", nhiều F0 điều trị tại nhà vội dùng kháng sinh khi chỉ mới ho nhẹ dù chưa được kê đơn, thậm chí có trường hợp uống kháng sinh khi chưa có triệu chứng để… phòng bệnh là không nên.
Các triệu chứng ho sau Covid-19 có thể kéo dài thêm 1, 2 tuần khi đó người bệnh có thể uống thêm các loại bổ phế hoặc sử dụng nước gừng ấm, cho chút mật ong sẽ giúp cổ họng dễ chịu hơn để giảm cơn ho, khó chịu. Nếu ăn tôm thì phải bóc sạch vỏ tôm, càng tôm, râu tôm trước khi ăn.
Ưu tiên chế biến các món ăn ở dạng mềm, lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo tôm, súp tôm, bún hay bánh đa nấu tôm… Khi đã dứt ho thì cá, tôm lại là thực phẩm để tăng cường sức khoẻ, giúp cơ thể mau hồi phục.
BS An chỉ lưu ý riêng trường hợp người bị hen suyễn thì nên kiêng tôm, cua vì chúng dễ gây dị ứng khiến người bệnh lên cơn hen, có thể nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, nếu người nào không bị dị ứng với các thực phẩm trên thì hoàn toàn có thể ăn.