Sáng nay 25/4, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội thảo trực tuyến công bố báo cáo "Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019".
Năm 2019, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới đã có khảo sát hành vi sức khỏe học sinh sinh viên toàn cầu tại Việt Nam. Đây là lần thứ 2 Việt Nam tham gia nghiên cứu này, nhằm thu thập dữ liệu thực trạng về yếu tố nguy cơ với sức khỏe và bệnh không lây nhiễm đối với các lứa tuổi học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 (13 - 17 tuổi) với các chỉ số về chế độ dinh dưỡng, ăn uống, sử dụng rượu bia, sức khỏe tâm thần, tình dục...
Tại hội thảo, ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho hay cuộc khảo sát triển khai tại 21 tỉnh với hơn 7.700 học sinh tham gia, cung cấp số liệu về yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm cũng như các bệnh khác.
So sánh điều tra tại Việt Nam năm 2013 với 2019 cho thấy có nhiều tiến bộ có ý nghĩa quan trọng trong một số lĩnh vực.
Trong đó, tỷ lệ học sinh hút thuốc lá, dùng ma tuý và học sinh bị bắt nạt giảm nhiều.
Hay như, học sinh đã tăng cường hoạt động thể chất. Trong đó, tỷ lệ vận động 60 phút/ngày, 5 ngày trong tuần đã tăng từ 20,5% lên 21,7%.
Tuy nhiên, WHO cũng kêu gọi các bộ: Y tế, GD-ĐT và các ngành liên quan tăng cường hơn nữa hợp tác đa ngành để giải quyết các vấn đề cấp bách và một số chỉ số tích cực bị giảm.
Cụ thể, so sánh kết quả điều tra tại Việt Nam năm 2013 và 2019 cho thấy, học sinh ăn thức ăn nhanh tăng hơn; thừa cân béo phì tăng lên. Học sinh sử dụng thuốc lá điện tử mức khá cao. Trong đó, tỷ lệ ăn thức ăn nhanh ít nhất 1 lần trong tuần tăng từ 30,2% lên 54,1%
Học sinh suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm 50% nhưng học sinh thừa cân, béo phì là 5,8% (tăng lên 10,6% trong 2019).
Lần đầu tiên đưa chỉ số sử dụng thuốc lá điện tử vào điều tra cũng ghi nhận tỷ lệ chung tại 21 tỉnh, thành có 2,6% học sinh sử dụng thuốc lá điện tử; riêng ở Hà Nội và TP.HCM tỷ lệ này lên đến 7,9%.
Đáng lưu ý, thông tin từ nhóm nghiên cứu cho thấy tỷ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ, nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013), tăng lên 3,51% (năm 2019).
Tại hội thảo, Trưởng đại diện WHO khuyến cáo ngành giáo dục và y tế cần xây dựng chương trình nâng cao sức khỏe cho học sinh, chú trọng về chất lượng bữa ăn trường học, điều kiện vận động thể chất cho học sinh; sức khỏe tâm thần, sức khỏe giới tính...
Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chương trình y tế học đường 2021 - 2025, ngành y tế cũng cần có hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn cho ngành giáo dục triển khai hiệu quả.
Hai bộ, ngành trên cũng cần phối hợp các bộ, ngành xây dựng chính sách để tăng cường vận động thể chất; kiểm soát hoạt động quảng bá thức ăn, thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.