Mặc dù bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt nhưng khu du lịch (KDL) Đại Nam vẫn mở cửa đón khách bình thường. Nhân viên cảm thấy khá buồn vì chuyện của bà chủ nhưng họ vẫn tiếp tục làm việc.
Theo nhân viên, KDL Đại Nam miễn phí vé mở cửa đón khách đã được một tuần nay. Thế nhưng, tính đến thời điểm này vẫn có rất ít khách đến đây vui chơi. Vì quá vắng vẻ nên nhân viên chủ yếu ngồi trò chuyện và sử dụng điện thoại để giết thời gian.
KDL Đại Nam có khuôn viên rất rộng lớn nhưng chỉ có rải rác một vài du khách đi lại tham quan. Họ đến được một thời gian ngắn sau đó lại quay trở về.
Trước khi bà Phương Hằng bị bắt, công ty Đại Nam liên tục thua lỗ trong 5 năm liền. Từ 2016 đến nay, công ty đã thua lỗ tổng cộng 534 tỷ VNĐ.
Điều này khiến Đại Nam âm vốn chủ sở hữu từ 2018, sang đến 2020 thì vốn âm lên tới 344 tỷ VNĐ. Vào cuối năm 2020, công ty phải trả khoản nợ hơn 6.500 tỷ VNĐ.
Công ty CP Đại Nam được thành lập vào tháng 3 năm 1996, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Đến 1999, công ty khởi công xây dựng dự án khu du lịch Đại Nam với quy mô lên tới 450 ha tại Bình Dương.
Tổng kinh phí đầu tư cho dự án là 6000 tỷ VNĐ. Đến tháng 9/2008, dự án này đã hoàn thành và bắt đầu đón khách vào tháng 9/2008.
Với quỹ đất rộng lớn, năm 2020, vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng đã đóng hơn 1.200 tỷ đồng tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước. Tương đương với 15% tổng nguồn thu từ đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Ngoài công ty CP Đại Nam, vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng còn góp mặt trong nhiều doanh nghiệp khác. Chẳng hạn như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Đại Nam Thần Tiên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Xây dựng Đại Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tân Khai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Tân Định.
Đồng thời, vợ chồng nữ đại gia còn đồng sáng lập công ty Cổ phần Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh vào năm 2018. Vào tháng 9/2020, vợ chồng ông Dũng tiếp tục thành lập công ty Glove Đại Nam, chuyên sản xuất găng tay y tế với vốn điều lệ 180 tỷ VNĐ nhưng số vốn thực tế là 1 tỷ USD.
Ảnh: Kênh 14