Đời Sống

Vụ án Kitty Genovese: Thảm án khiến nước Mỹ rúng động và lời cảnh báo về sự vô cảm của 37 nhân chứng sống

Quỳnh Trang - 10/03/2021 21:50 GMT+7

Vụ án mạng của Kitty Genovese đã gây chấn động toàn bộ thành phố New York và cả nước Mỹ, thúc đẩy quá trình hoàn thiện hệ thống phản ứng khẩn cấp 911.

Kitty Genovese, 28 tuổi, là người Mỹ gốc Ý và là con cả trong gia đình có 5 người con. Bạn bè mô tả cô là một người vui vẻ, thoải mái và rất tự tin vào bản thân. Cô sống cùng bạn mình, Mary Ann Zielonko, tại một căn hộ ở Queens, New York.

kitty genovese
Chân dung nạn nhân Kitty Genovese

Vào 2h30 sáng ngày 13/03/1964, Kitty Genovese rời khỏi quán bar nơi cô làm việc và trở về nhà trên chiếc xe Fiat màu đỏ. Trong lúc đợi đèn đỏ trên đường Hoover Ave, cô đã lọt vào tầm ngắm của một người đàn ông tên Winston Moseley đang ngồi trong chiếc xe đỗ gần đó.

Moseley, kẻ đã kết hôn và có 3 đứa con, quyết định bám theo cô.

Genovese về đến nhà lúc 3h15 sáng và đỗ xe tại bãi đỗ xe gần đó. Khi chỉ còn cách lối vào khu chung cư 30m, cô phát hiện Moseley đang nhanh chóng tiếp cận mình bằng một con dao săn. Cô gái chạy nhanh nhất có thể về phía cửa căn hộ nhưng người đàn ông 29 tuổi đã nhanh hơn và đâm 2 nhát vào lưng cô.

Genovese hét lên: “Chúa ơi, hắn đâm tôi! Cứu với!” Hàng chục người hàng xóm đã nghe thấy tiếng khóc, nhưng nhiều người cho rằng đó chỉ là một vụ cãi vã và không hề liên quan đến họ.

Kitty Genovese 1

Một người hàng xóm tên Robert Mozer đã thấy kẻ tấn công và la lên: “Để cô gái đó yên!”, tiếng hét của ông đã khiến Moseley bỏ chạy.

Sau đó, Genovese cố gắng bò về phía cửa ra vào của tòa nhà. Lúc này cô đã ra khỏi tầm nhìn của các nhân chứng.

Tuy nhiên, cuộc tấn công tàn bạo vẫn chưa dừng lại ở đó.

Moseley quay trở lại và thấy Genovese đã bất tỉnh, mắc kẹt trong hành lang sau cánh cửa khóa chặt. Hắn ta đâm cô thêm vài nhát và sau đó cưỡng hiếp cô, cuộc tấn công kéo dài hơn nửa giờ.

Mãi cho đến 4h15 sáng, hơn một giờ sau vụ đâm trước đó, xe cấp cứu cuối cùng đã đến. Genovese đã qua đời trên đường đến bệnh viện.

Kitty Genovese
Hiện trường vụ án nơi Genovese bị đâm và cưỡng hiếp

Vụ sát hại một phụ nữ 28 tuổi với những nhân chứng từ một khu chung cư lớn ở giữa một thành phố nhộn nhịp đã khơi dậy một nỗi lo trong xã hội hiện đại.

Trong cuốn sách Kitty Genovese: Kẻ sát nhân, Người ngoài cuộc, Tội ác thay đổi nước Mỹ (tựa gốc: Kitty Genovese: The Murder, The Bystanders, The Crime that Changed America), Kevin Cook có viết: "Bạn có thể có hàng nghìn người hàng xóm nhưng lại chết một mình khi họ đứng quan sát cạnh cửa sổ."

Vụ án này, một trong những án mạng nổi tiếng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ hiện đại, đã mở đường cho một số thuyết tâm lý, bao gồm “sự vô tri đa nguyên” và “hiệu ứng người ngoài cuộc”. Hai học thuyết này cố gắng giải thích cách con người đánh mất la bàn đạo đức và tại sao người ta lại chẳng mấy khi giúp một người gặp nạn khi ở trong một đám đông.

Hai tuần sau cái chết của Genovese, The New York Times đã đăng một bài báo với tiêu đề, "37 NGƯỜI NHÌN THẤY KẺ SÁT NHÂN ĐÃ KHÔNG BÁO CẢNH SÁT"

Kitty Genovese 2
Bài báo của The New York Times

Bài báo có viết: "Trong hơn nửa giờ đồng hồ, 37 công dân đáng kính, tuân thủ luật pháp ở Queens đã dõi theo một kẻ giết người rình rập và đâm một phụ nữ trong ba vụ tấn công riêng biệt ở Kew Gardens,"

"Những tiếng la của họ và ánh sáng đột ngột từ đèn phòng ngủ đã hai lần khiến hắn hoảng sợ và dừng lại. Mỗi lần hắn ta đều quay trở lại, tìm kiếm và tiếp tục đâm cô gái. Không một ai gọi điện cho cảnh sát trong suốt vụ hành hung; một nhân chứng có gọi sau khi người phụ nữ đã chết."

Trong những tuần sau đó, một số chi tiết của vụ việc đã bị chỉ trích thậm tệ, và cho đến ngày nay vẫn có những nhân chứng khẳng định họ đã gọi cảnh sát, tuy nhiên không hề có hồ sơ chính thức nào.

Ngoài việc trở thành một nghiên cứu điển hình trong các khóa học Tâm lý 101 trên toàn thế giới, cái chết của Genovese cũng là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của đường dây nóng khẩn cấp, 911.

Cook nói với Đài Phát thanh Công cộng quốc gia NPR: “Sự phát triển của hệ thống 911 ít nhiều có liên quan trực tiếp tới sự phẫn nộ sau cái chết của Kitty Genovese”.

Vào thời điểm Genovese qua đời, người dân New York phải gọi 'O' để liên lạc với một nhà điều hành rồi sau đó mới được chuyển đến khu vực địa phương của họ qua tổng đài. Quá trình này diễn ra chậm và không hiệu quả.

kitty genovese
Hệ thống 911 dần được hoàn thiện sau cái chết của Genovese

Sau năm 1964, các chính trị gia bắt đầu ủng hộ việc phát triển hệ thống ứng phó khẩn cấp quốc gia. Vào cuối năm 1967, ba năm sau khi Genovese bị sát hại, Ủy ban Truyền thông Liên bang cùng với Công ty Điện thoại và Điện báo Mỹ (AT&T) đã quyết định chọn là 9-1-1.

Sự thật đằng sau vụ án đã cho thấy một lỗ hổng cơ bản trong các dịch vụ khẩn cấp của nước Mỹ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, giờ đây mọi người đã có thể tiếp cận sự trợ giúp mà họ cần chỉ với ba nút bấm.

Những vụ mất tích kỳ bí nhất thế giới, cảnh sát cũng "bó tay" không thể giải quyết