Đời Sống

Chi tiết gây sốc dẫn đến vụ sập cầu treo khiến 141 người chết ở Ấn Độ

DIỆU HUYỀN - 31/10/2022 17:09 GMT+7

Ngày 30/10, sự cố sập cầu treo Morbi, Ấn Độ đã khiến hơn 140 người thiệt mạng. Thời điểm đó, trên cầu có khoảng hơn 400 người.

Theo truyền thông Ấn Độ đưa tin, cây cầu treo ở thị trấn Morbi, bang Gujarat đã bị sập lúc 18h42 tối 30/10 (20h12 giờ Việt Nam). Cùng thời điểm có khoảng 500 người bao gồm cả trẻ em và phụ nữ, đang tập trung trên và xung quanh cầu để tham dự lễ hội ánh sáng Diwali của Hindu giáo. Sau khi cầu sập, rất nhiều nạn nhân bị rơi xuống sông Machchhu ngay bên dưới. Số khác bám víu vào thành cầu với nỗ lực mong muốn sống sót tạo nên một khung cảnh hỗn loạn.

Trả lời báo giới, giám đốc y tế của Bệnh viện Dân sự Morbi cho biết hầu hết các nạn nhân tại bệnh viện là trẻ em chết vì đuối nước. Ngoài ra, một số người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch. Con số thương vong dự kiến có thể tăng lên trong thời gian tới.

>> Xem thêm: Video sập cầu treo ở Ấn Độ, ít nhất 90 người thiệt mạng

Tinh-tiet-gay-soc-tai-vu-sap-cau-treo-o-An-Do
Hiện trường vụ sập cầu kinh hoàng tại Ấn Độ

Sau quá trình điều tra ban đầu, ông Sandipsinh Zala - quan chức thành phố Morbi khẳng định nguyên nhân dẫn tới vụ sập cầu không phải do ngẫu nhiên.

Ông Zala cho biết cây cầu bắc qua sông Machchu được mở lại mà không có sự cho phép của chính quyền. Giới chức trách thành phố hoàn toàn không biết việc cầu được mở lại giữa dịp lễ hội Diwali.

"Cây cầu được giao cho công ty Oreva quản lý, vận hành và bảo trì trong 15 năm qua. Vào tháng 3 năm nay, cầu đóng cửa để tu sửa", ông Zala nói.

Theo như thủ tục, nếu cầu được phép hoạt động bình thường, công ty Oreva phải cung cấp hồ sơ về hoạt động tu sửa để chính quyền cấp phép. Tuy nhiên, đơn vị không hoàn thiện đúng giấy tờ mà vẫn ngang nhiên mở cửa cầu cho khách du lịch.

Tinh-tiet-gay-soc-tai-vu-sap-cau-treo-o-An-Do-1
Câu cầu treo thời điểm trước khi xảy ra tai nạn

Ông Sandeep Singh - lãnh đạo thành phố Morbi - cho biết cầu bắc qua sông Machchu được xây từ thế kỷ 19 và đã rất cũ. Thông thường, chính quyền chỉ cho phép 20 - 25 người đi qua cầu cùng lúc. Nhưng theo báo cáo sơ bộ về tai nạn, số lượng người trên cầu đã vượt ngưỡng 20 lần.

Tương tự ông Zala, ông Singh cũng khẳng định nguyên nhân của sự việc là do thái độ làm việc vô trách nhiệm của công ty Oreva.

"Do hành động cẩu thả của công ty quản lý, tình trạng hỗn loạn đã xảy ra. Rất nhiều người cùng đi lên cầu. Khoảng 400 - 500 người", ông Singh chia sẻ với tờ India Today. 

Theo ông Prateek Vasava, một nhân chứng vụ sập cầu, trước thời điểm xảy ra vụ việc, một nhóm thanh niên đã cố tình rung lắc cây cầu, khiến nhiều người hoảng sợ. Song dòng người vẫn tiếp lên cầu ngày một nhiều khiến sức chịu đựng của cây cầu cũ đi quá giới hạn.

"Tôi đã nói với nhân viên rằng họ phải yêu cầu du khách dừng rung lắc cầu. Tuy nhiên, họ chỉ quan tâm đến việc bán vé sao cho nhiều và họ không có người kiểm soát đám đông", ông Vasava cho biết đã cố gắng khuyên ngăn nhân viên bán vé lên cầu nhưng bị phớt lờ.

Tinh-tiet-gay-soc-tai-vu-sap-cau-treo-o-An-Do-2
Chiếc cầu treo được xây dựng từ thế kỷ 19 đã rất cũ kỹ và khả năng chịu lực kém

Sau sự việc đau lòng trên, giới chức Ấn Độ đã triển khai lực lượng đến hiện trường để tìm kiếm những người mất tích. Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói hỗ trợ 400.000 rupee (gần 5.000 USD) cho mỗi người thiệt mạng và 50.000 USD (hơn 600 USD) cho mỗi người bị thương trong vụ sập cầu này.

Tin phổ biến