Đời Sống

Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử

Tường Vy - 11/07/2021 07:31 GMT+7

Sáng 10/7, Việt Nam chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử cho 75 triệu người dân.

Sáng 10/7, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trên phạm vi toàn quốc đã được phát động với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau thời gian chuẩn bị chu đáo, tập huấn kỹ lưỡng, Việt Nam chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.

Thủ tướng chia sẻ: "Hôm nay chúng ta có mặt ở đây với cảm xúc rất đặc biệt. Đặc biệt của tâm tư và suy nghĩ hướng về TP.HCM và một số tỉnh, nơi nhân dân đang phải đối mặt với sự khó khăn, phức tạp hơn của dịch bệnh, nơi cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào bị ảnh hưởng do các biện pháp phong tỏa, giãn cách… để chống dịch thành công. Nơi chúng ta cần thể hiện tấm lòng, sự đoàn kết và sự chia sẻ hơn bao giờ hết. Nơi chúng ta cảm nhận được sự bao dung, nhân ái, cảm thông và không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, không ai đứng ngoài cuộc trong việc tiếp cận vaccine".

a1
Sáng 10/7, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc. Ảnh: Bộ Y tế

Tính đến nay, Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 đã nhận được hơn 8.000 tỷ đồng và đang được sử dụng để mua vaccine phục vụ nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để có thể tiếp cận được nguồn vaccine trong bối cảnh khan hiếm trên quy mô toàn cầu, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực, cố gắng đưa vaccine về Việt Nam.

Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam sẽ thiết lập Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai trên quan điểm thống nhất “tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai”.

Chiến dịch tiêm chủng lần này có nhiều điểm mới so với các chiến dịch tiêm chủng trước đây, trong đó:

- Thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vaccine dưới sự điều hành của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng. Vaccine được đảm bảo chất lượng và vận chuyển nhanh nhất từ các kho trung tâm tại các Quân khu tới thẳng các điểm tiêm.

- Thiết lập hệ thống giám sát chất lượng thông qua giám sát toàn bộ quy trình bảo quản, vận chuyển, tổ chức tiêm và quản lý điều hành trực tuyến toàn bộ quá trình tiêm chủng.

- Chiến dịch huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước từ Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, cả công lập và tư nhân.

- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng với việc đưa vào sử dụng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng của từng người dân và cấp hộ chiếu vaccine trong tương lai.

Bộ Y tế cùng các Bộ quyết tâm, nỗ lực để thực hiện hiệu quả, thành công chiến dịch tiêm chủng với phương châm "tiêm đến đâu an toàn đến đó", "không bỏ phí bất cứ một liều vaccine nào" và "không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 của Việt Nam".

>>> Tin nên đọc:

Ghi nhận 2 bệnh nhân Covid-19 nặng tại TP.HCM và Bắc Giang tử vong

Cảnh báo: Những độc chiêu lừa đảo trong mùa dịch tại TPHCM mà người dân cần biết

Hà Nội: Thêm 4 ca dương tính SARS-CoV-2 thuộc ổ dịch khu công nghiệp

Tin phổ biến