Ông Phạm Văn Mẫn, 67 tuổi, là giám đốc của một công ty công nghệ ở Hà Nội. Vào 7h00 sáng 3/6, ông mang túi đi làm như thường ngày, khi được vợ hỏi đi đâu, ông đáp thản nhiên "đi làm".
Tuy nhiên, ông Mẫn đã có mặt tại Bắc Giang sau 2 tiếng lái xe. Ông nhận lệnh đưa đón các nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến và bác sĩ tại Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang. Ngay lập tức, số điện thoại của ông đã trở thành số hotline của các đoàn nhân viên y tế đang hoạt động tại tâm dịch.
Trong ngày đầu tình nguyện, vị giám đốc 67 tuổi đã chạy vài chục chuyến xe chẳng kể giờ giấc. Thậm chí, dù không quen các tuyến đường ở Bắc Giang nhưng ông cũng không ngại hỏi thăm người dân hoặc tra bản đồ để đi đón nhân viên y tế.
Đến chiều tối cùng ngày ông Mẫn mới gọi điện về nhà. Nhưng ông chỉ nhắn gia đình là vùng dịch cần hỗ trợ về dịch vụ viễn thông nên cần lên đó vài ngày và vẫn giấu chuyện tham gia tình nguyện.
Trước đó khi dịch bùng phát tại Bắc Giang, vị giám đốc ở Hà Nội đã viết đơn xin vào tâm dịch từ ngày 28/5. Sau khi bị vợ phát hiện, ông Mẫn quyết định công khai đơn tình nguyện của mình lên mạng xã hội. Trong đơn ông viết:
"Hình ảnh các cháu nhỏ mới một tuổi chưa biết tự ăn đã phải xa bố mẹ đi cách ly, cảnh người già, cựu chiến binh ngày đêm trực chốt tại điểm nóng của tâm dịch, cảnh bộ đội, công an tổ chức cứu trợ, bác sĩ không ngại hiểm nguy cứu người khiến người đàn ông đủ sức khỏe, tinh thần chiến đấu như tôi rất băn khoăn. Tôi viết đơn này xin ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Y tế và tỉnh Bắc Giang phê duyệt để tôi vào tham gia chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang..."
Trong lúc viết đơn tình nguyện, ông Mẫn đã dành 2 tuần để rèn luyện thể lực. Người đàn ông 67 tuổi cho biết, mình đã đi bộ giữa trưa để chuẩn bị cho những ngày làm việc trong thời tiết nắng nóng tại tâm dịch Bắc Giang.
Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Bắc Giang, ông Nguyễn Trọng Khoa rất xúc động khi nhận được đơn của ông Mẫn. Ông Khoa cho biết, trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, tinh thần của một người lớn tuổi như ông Phạm Văn Mẫn là điều đáng quý và đáng để trân trọng.
Trong khi đó, vị giám đốc 67 tuổi cũng chia sẻ đã được sống những ngày thực sự ý nghĩa khi đi tình nguyện tại tâm dịch Bắc Giang. Ông bày tỏ: "Vào đến tâm dịch rồi mới biết thế nào là cuộc chiến. Ở Hà Nội tôi sẽ chẳng được sống những ngày ý nghĩa như vậy. Các cháu bác sĩ, có đứa chỉ hơn 40kg mà vẫn đi tình nguyện, hăng hái, ý thức chẳng kém ai. Tôi học được lớp trẻ nhiều điều".
Tin liên quan:
Thử nghiệm “bộ đồ bảo hộ lắp quạt gió làm mát” cho các y bác sĩ ở tâm dịch Bắc Giang