Đời Sống

“Bóc mẽ” thủ đoạn lừa đảo mới chỉ tiếp xúc vài phút mất tiền triệu mà không biết

Hương Ly - 29/12/2022 10:42 GMT+7

Với thủ đoạn để chế độ “Đặt lịch chuyển khoản” khi chuyển tiền, đối tượng Mạnh đã lừa đảo được 2 chiếc điện thoại iPhone đắt tiền.

Theo Công an TP Hà Nội, Cơ quan CSĐT CAQ Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với đối tượng Nguyễn Đình Mạnh (sinh năm 1994; HKTT: phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

01672285354.jpeg
Đối tượng Nguyễn Đình Mạnh. (Ảnh: CAHN).

Do cần tiền tiêu xài nên đối tượng Nguyễn Đình Mạnh đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mua bán điện thoại trên các hội nhóm mạng xã hội. Theo đó, Mạnh lập ra các tài khoản Facebook rồi sử dụng để tham gia vào các nhóm “Mua bán điện thoại cũ Hà Nội”. Khi thấy các bài đăng của những người có nhu cầu bán điện thoại, đối tượng liền hỏi mua lại.

Thấy “con mồi” đã sập bẫy, Mạnh sẽ hẹn giao hàng tại địa điểm yêu cầu. Sau khi kiểm tra điện thoại, đối tượng sẽ thanh toán cho người bán bằng hình thức chuyển khoản.

Tuy nhiên, Mạnh đã để chế độ “Đặt lịch chuyển khoản” khi chuyển tiền. Điều đó đồng nghĩa với việc số tiền từ tài khoản của Mạnh sẽ không chuyển khoản ngay đến số tài khoản của người bán.

Tiếp đó, Mạnh đưa cho người bán xem qua giao dịch để lấy lòng tin rồi cầm điện thoại đem đi tiêu thụ. Còn lệnh chuyển khoản sẽ bị đối tượng báo huỷ sau đó để chiếm đoạt tài sản.

Với thủ đoạn này, đối tượng Mạnh đã trót lọt lừa đảo chiếm đoạt 1 chiếc iPhone 12 Promax vào ngày 9/10/2022 và 1 chiếc iPhone 11 Promax vào ngày 14/10/2022.

Hiện Công an Quận Hoàn Kiếm đang củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.