Từ 13h-17h ngày 30/4, em T cùng 7 người bạn đi bê cỗ thuê cho 1 đám cưới ở xã Mão Điền, nơi được coi là ổ dịch Covid-19 tại Bắc Ninh.
T cho hay, mình làm việc với số tiền 230 nghìn đồng/buổi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, giúp đỡ bố mẹ trang trải cuộc sống. Được biết, em T có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn khi bố bị tâm thần, mẹ bị tai nạn không thể di chuyển như bình thường.
Sau đợt nghỉ lễ, T cùng các bạn đến trường như bình thường đến khi nhận được thông báo của Sở GD-ĐT Bắc Ninh về việc cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vào ngày 6/5.
19h ngày 6/5, khi nhận được thông tin đám cỗ mình tham gia có người mắc Covid-19, T cùng nhóm bạn chủ động rủ nhau ăn cơm sớm và lên trạm y tế khai báo. Sau đó, T được cách ly tập trung tại khu cách ly T36 ở trung tâm huyện Thuận Thành.
Sau khi biết mình bị mắc Covid-19, tối 9/5, T được chuyển về cách li, theo dõi và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Du. T cho hay em biết tin mình mắc Covid-19 từ loa phát thanh xã.
Từ khi biết T nhiễm Covid-19 do đi bưng cỗ thuê, T bị đả kích rất nhiều từ những lời nói không hay, đặc biệt là từ xóm làng nơi em sinh sống.
Mọi người cho rằng vì nhóm T đi bê cỗ mà đưa dịch bệnh về cho làng xóm, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của dân làng. Nhưng điều khiến T lo nhất chính là việc gia đình em bị tất cả mọi người kỳ thị.
T chia sẻ, khi khỏi bệnh và được trở về nhà, mình sẽ không dám đi đâu để hạn chế sự kỳ thị và những lời nói không hay từ hàng xóm.
Như vậy, tính đến hết ngày 12/5, toàn ngành giáo dục Bắc Ninh có 511 người thuộc diện F1, 10.009 người thuộc diện F2. Các trường hợp F1, F2, F3 đều đã được khai báo y tế và được cách ly theo quy định.
>>> Tin nên đọc: