Đời Sống

Hà Nội: Lo ngại nguy cơ lây nhiễm lớn tại ổ dịch cửa hàng tiện lợi phố Lê Trọng Tấn

THEO TIỀN PHONG - 31/08/2021 13:49 GMT+7

Đến trưa 31/8, ổ dịch cửa hàng tiện lợi D&H số 218 phố Lê Trọng Tấn đã ghi nhận 7 ca mắc Covid-19.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, liên quan đến bệnh nhân N.T.H (SN 1981), chủ cửa hàng bách hóa D&H ở số 218 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, tính đến trưa 31/8 đã ghi nhận thêm 6 ca dương tính, gồm: Chồng và con của bệnh nhân; 1 nhân viên tại cửa hàng tạp hóa, 3 trường hợp mua hàng gồm hai mẹ con ở Lê Trọng Tấn và 1 người ở Định Công (Hoàng Mai).

Được biết, ngày 28/8, bệnh nhân N.T.H, chủ cửa hàng bách hóa D&H ở 218 Lê Trọng Tấn thấy hơi đau người, sốt 37,2 độ C, sau đó tăng lên 37,5 độ C, mất khứu giác, ho nhẹ, không khó thở, hơi mỏi người. Đến sáng 29/8, bệnh nhân H đến khám tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương và có xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính. Sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR và có kết quả dương tính.

Theo kết quả điều tra dịch tễ của đội đáp ứng nhanh số 2 của CDC Hà Nội, từ đầu tháng 8/2021 đến nay, bệnh nhân N.T.H chỉ bán hàng tại cửa hàng tạp hóa tại nhà ở địa chỉ số 218 Lê Trọng Tấn, không đi ra khỏi cửa hàng.

Tuy nhiên, bệnh nhân có tiếp xúc với nhiều người và không rõ tiền sử có tiếp xúc với F0, F1. Khu vực gần nhà của bệnh nhân cũng không có người mắc Covid-19. Đặc biệt, bệnh nhân tiếp xúc với nhiều khách đến mua hàng, người giao hàng và hiện không nhớ được tên tuổi, địa chỉ của họ.

a1
Cửa hàng tiện lợi D&H số 218 phố Lê Trọng Tấn đã bị phong tỏa.

CDC Hà Nội nhận định, bệnh nhân H bán hàng thực phẩm thiết yếu, nên tại đây có rất đông người đến mua hàng. Thêm vào đó, cửa hàng này không có lắp đặt lớp kính chắn giọt bắn giữa người mua hàng và người thanh toán. Khi thanh toán có rất đông người và thủ tục thanh toán lâu, không có sự giãn cách tối thiểu 2m. Thậm chí, khi có triệu chứng bệnh, bệnh nhân H vẫn bán hàng, vì vậy, khả năng lây lan cho người đến mua hàng là rất cao.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh, người dân cần phải phối hợp, khai báo kịp thời với cơ quan chức năng khi có bất cứ biểu hiện bất thường với sức khỏe. Thời gian qua, nhiều ca dương tính được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt trong cộng đồng, nhưng chỉ khi triệu chứng nặng hơn, phải đến cơ sở y tế lấy mẫu xét nghiệm thì họ mới chịu khai báo.

"Đơn cử như trường hợp F0 P.L.C - là người mua hàng tại cửa hàng D&H và có tiếp xúc với F0 N.T.H. Ngày 25/8, bệnh nhân P.L.C có biểu hiện cảm cúm, ho nhẹ nhưng đến ngày 28/8 khi thấy các biểu hiện tăng lên, đau đầu, cay mắt, ớn lạnh, nghi nhiễm COVID-19 thì bệnh nhân mới khai báo với Ban Quản lý tòa nhà nơi mình sinh sống. Người dân nếu cứ để muộn như vậy mới khai báo thì không bao giờ cắt đứt được chuỗi lây nhiễm", ông Khổng Minh Tuấn nêu.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận Thanh Xuân khuyến cáo tất cả người dân đã đến cửa hàng tiện ích số 218 đường Lê Trọng Tấn từ ngày 20 đến 28/8, cần thực hiện cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế phường để được tư vấn hỗ trợ.

>>> Tin nên đọc:

Hà Nội: 1 bảo vệ trường học mắc Covid-19, phụ huynh từng đến trường giao nhận sách cần tự theo dõi sức khỏe

"Việc đo huyết áp để sàng lọc trước tiêm không hiệu quả, thậm chí làm tăng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2"

Sáng 31/8: Hà Nội phát hiện thêm 13 ca mắc Covid-19, đều nằm trong khu vực cách ly, phong toả