Đời Sống

Thẻ căn cước công dân có gắn chip và những tiện ích không phải ai cũng biết

An Nhiên - 12/03/2021 17:29 GMT+7

Từ ngày 1/1/2021, công dân cả nước đã được tiến hành cấp thẻ Căn cước công dân có gắn chip với nhiều tiện ích như nhanh gọn, bảo mật, không phải mang theo nhiều loại giấy tờ....

Từ đầu năm 2021, Bộ công an đã triển khai việc thực hiện làm thẻ căn cước mới có gắn chip điện tử cho công dân. Bên cạnh các vấn đề về hồ sơ thủ tục, mọi người cũng rất quan tâm tới những tiện ích của căn cước công dân (CCCD) có gắn chip.

Đại diện Bộ công an cho biết, thẻ có gắn chip điện tử lưu trữ lượng thông tin lớn hơn nhiều lần so với thẻ có mã vạch, vì vậy chúng sẽ lưu trữ được nhiều loại giấy tờ giá trị. Bên cạnh đó, thẻ cũng tích hợp thêm các thông tin của bộ, ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... và phù hợp với xu thế công nghệ số như hiện nay. Thông qua đó, nó có thể phòng tránh việc giấy tờ bị làm giả, tạo sự thuận lợi khi thực hiện những giao dịch trực tuyến của Chính phủ điện tử.

cccd-gan-chip
Căn cước công dân có gắn chip có khả năng lưu trữ và tính bảo mật cao hơn căn cước gắn mã vạch

Việc thẻ CCCD có gắn chip tích hợp đầy đủ thông tin giúp người dân khi giao dịch không phải mang nhiều loại giấy tờ khác nhau. Thêm vào đó, chip có mức độ bảo mật cao nên thông tin định danh của công dân không thể thay đổi, việc đối sánh sinh trắc học được thực hiện ngay trên chíp có thể hạn chế việc giả mạo danh tính. Đồng thời, thẻ CCCD cũng quy định rõ quyền truy cập và cho phép việc truy cập diễn ra nhanh chóng mà không bị lộ thông tin dù xảy ra sự cố mất thẻ. 

cccd-gan-chip-2
Mẫu thẻ căn cước công dân mới có gắn chip

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi công dân đều phải đi đổi CCCD có gắn chíp. Những trường hợp bắt buộc phải đổi là người có chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số hoặc CCCD mã vạch đã hết hạn nằm trong diện bắt buộc phải đổi sang thẻ mới. Ngược lại, những trường hợp không bắt buộc là người có CMND 12 số, CCCD mã vạch còn hạn sử dụng và không có dấu hiệu bị hỏng, rách.

Theo lãnh đạo Công an Hà Nội, các dữ liệu khác đều được thu thập từ trước đó, vì vậy, công dân đến làm thủ tục cấp đổi sang căn cước gắn chip chỉ cần mang chứng minh thư, sổ hổ khẩu hoặc căn cước mã vạch cũ. Sau khi hoàn tất thủ tục, nếu công dân đăng ký nhận căn cước qua đường bưu điện thì cơ quan chức năng sẽ cắt góc giấy tờ tùy thân và trả lại cho người dân. Trường hợp CMND hoặc CCCD cũ còn hiệu lực, cảnh sát sẽ đối soát và trả lại cho công dân sử dụng trong thời gian chờ lấy căn cước mới.

cccd-gan-chip-3
Không phải tất cả công dân Việt Nam đều cần làm căn cước công dân có gắn chip

Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, việc cấp căn cước gắn chip dự kiến phải hoàn thành cho 50.000.000 người vào 1/7. Đặc biệt, 10 tỉnh và thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... cần hoàn thành trước ngày 30/4. Muốn đạt được mục tiêu trên, mỗi ngày công an cả nước phải thu nhận và xử lý trung bình 300.000 hồ sơ.

Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến 10/3, các tỉnh và thành phố mới đáp ứng trên 200.000 hồ sơ. Thiếu tướng Huệ nhận định, một số tỉnh đã vượt kế hoạch trong khi có tỉnh lại chưa đạt chỉ tiêu. Vì vậy, nhiều tỉnh, thành đã lập các tổ lưu động cấp căn cước 3 ca mỗi ngày, từ sáng, chiều, tối cho tới nửa đêm. Công an địa phương cũng chuẩn bị trước hồ sơ của những người có giấy mời để công dân không tốn thời gian tìm kiếm thông tin và cán bộ chỉ cần thu nhận hồ sơ để đối chiếu cho nhanh, gọn.

Lệ phí làm Căn cước công dân gắn chip được giảm 50% trong nửa năm 2021

Tin phổ biến