Chùm ca bệnh nghi ngộ độc pate chay bao gồm 3 người thân trú tại Bình Dương. Bệnh nhân C.N.M 42 tuổi, đã tử vong là em gái của bệnh nhân C.N.H (53 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115) và là mẹ của bệnh nhân P.T.T.T. (16 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2). Sở Y tế TP.HCM cho biết, cả 3 bệnh nhân đều có cùng bệnh cảnh nhược cơ, suy hô hấp, suy tuần hoàn... và trước đó cùng ăn pate chay.
Theo chồng và con trai của bệnh nhân C.N.H., vào trưa ngày 20/3, gia đình nấu bún riêu chay tại một ngôi miếu cách nhà khoảng 2km. Trong nguyên liệu thấy có 1 hộp pate chay bị phồng lên. Sau khi ăn, cả 3 bệnh nhân đều phải nhập viện cấp cứu.
Bệnh nhân C.N.M. nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 24/3 trong tình trạng nuốt khó, mệt mỏi. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang khoa nội thần kinh với chẩn đoán theo dõi viêm thân não, phân biệt với ngộ độc. Trong thời gian theo dõi, chị C.N.M. bị ngưng tim đột ngột và suy hô hấp. Sau khi được hồi sức, tim của bệnh nhân đập trở lại, sau đó người thân xin đưa về nhà và tử vong.
Bệnh nhân nữ C.N.H bị suy hô hấp nặng, liệt tứ chi, hôn mê, từng ngưng tim một lần. Tuy nhiên, sau 3 giờ truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT), nữ bệnh nhân đã cải thiện sức khỏe và có biểu hiện nghe hiểu.
Con gái của chị C.N.M. điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 được truyền 2/3 lọ BAT vào 19h30 tối 25/3. Sau ba giờ, bệnh nhi có biểu hiện cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay và chân có biên độ cử động rõ hơn. Vào lúc 1h30 ngày 26/3, bệnh nhân đã rung được cơ đùi khi có yêu cầu, đồng tử phản xạ ánh sáng tốt.
Theo địa diện Sở Y tế TP.HCM, biểu hiện sau truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridum Botulinum là bằng chứng cho thấy cả 3 trường hợp trên bị ngộ độc thức ăn pate có độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Trước đó, vào tháng 9/2020, TP.HCM ghi nhận 10 trường hợp ngộ độc Botulinum liên quan đến sản phẩm Pate Minh Chay. Vì vậy, sở Y tế TP.HCM yêu cầu người dân tạm thời ngưng sử dụng tất cả sản phẩm có liên quan tới pate chay trong khi chờ xác định thông tin về bữa ăn và thực phẩm nói trên. Những ai đã cùng ăn pate chay với 3 bệnh nhân trên cần đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi, điều trị.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, thực phẩm đóng hộp nếu bị biến dạng, căng phồng có nguy cơ nhiễm độc tố cao nên người dân đừng nên sử dụng. Tốt nhất, mọi người nên ăn chín uống sôi và sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.