Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ vào chiều 17/3, bà Phạm Thị Thanh Mai, Bí thư thị xã Sơn Tây đã đưa ra kiến nghị tái lập thành phố Sơn Tây như 14 năm trước. Mô hình này gần giống với TP.Thủ Đức trực thuộc TP.HCM.
Ông Vương Đình Huệ cho biết, trước mắt, Sơn Tây cần tập trung quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng cho sản xuất, dịch vụ, thương mại... xây dựng thị xã trở thành một cực tăng trưởng phía tây bắc, một trung tâm lớn về du lịch của Thủ đô. Cũng theo ông Huệ, thị xã Sơn Tây đã được định hướng là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô, cũng là đô thị lịch sử, văn hóa, du lịch, nghỉ dưỡng nên cần tập trung phát triển, lấy trọng tâm là khu bảo tồn thành cổ Sơn Tây, hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh.
Thị xã Sơn Tây là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô. Trước khi Hà Tây sáp nhập Hà Nội vào năm 2008 thì vào ngày 2/8/2007, thị xã Sơn Tây đã được công nhận là thành phố, trực thuộc tỉnh Hà Tây. Đến giữa tháng 11/2008, HĐND thành phố Sơn Tây họp bất thường và ra nghị quyết đề nghị chuyển đơn vị thành thị xã. Sau khi đề xuất được HĐND Hà Nội thông qua, Sơn Tây trở lại thành thị xã sau 15 tháng được gọi là thành phố.
Sơn Tây rộng hơn 113 km2 với dân số hơn 230.000 người. Hiện tại, thị xã có 15 đơn vị hành chính gồm 9 phường: Lê Lợi, Quang Trung, Ngô Quyền, Phú Thịnh, Xuân Khanh, Trung Hưng, Sơn Lộc, Viên Sơn, Trung Sơn Trầm và 6 xã Đường Lâm, Xuân Sơn, Thanh Mỹ, Sơn Đông, Kim Sơn, Cổ Đông...
Từ năm 2022: Nếu ở thành phố, thu nhập 2 triệu đồng/ tháng là hộ nghèo