Đời Sống

Dự báo đợt dịch COVID-19 thứ 4 không thể kết thúc trước cuối tháng 6

An Nhiên - 22/05/2021 14:25 GMT+7

Đợt dịch COVID-19 lần này xuất hiện nhiều biến chủng mới như chủng virus Anh, chủng virus Ấn Độ với mức độ lây lan nhanh và hình thành nhiều chuỗi lây nhiễm phức tạp.

Các chuyên gia độc lập, dẫn đầu bởi tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock thuộc Đại học Sydney nhận định, có thể đợt dịch này đã bắt đầu từ giữa tháng 4/2021 hoặc sớm hơn. 

dich-covid-19
Đợt dịch thứ 4 rất phức tạp vì có chuỗi lây nhiễm chéo với số ca bệnh tăng nhanh

Sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, số ca bệnh về sau đã tăng lên nhanh chóng. Đến 20/5 ghi nhận 1762 ca, lan rộng ra 30 tỉnh, thành và xuất hiện nhiều vòng lây nhiễm. Điều này cho thấy, đã có trường hợp dương tính SARS-CoV-2 âm thầm trong cộng đồng.

Đợt dịch này cũng xuất hiện nhiều ổ dịch bắt nguồn từ các ca bệnh nhập cảnh trái phép hoặc nhập cảnh nhưng không được cách ly chặt chẽ. Kết quả giải trình tự gene của một số ca bệnh cho thấy, chủng virus biến thể Anh và Ấn Độ đều là các chủng mới xuất hiện ở Việt Nam.

dich-covid-19-1
Kết quả giải trình tự gene cho thấy ở Việt Nam đã xuất hiện chủng virus Anh và Ấn Độ

Bệnh viện trở thành ổ dịch, từ đó phát hiện nhiều hơn các ca nhiễm trong cộng đồng. Khi lực lượng chức năng triển khai biện pháp truy vết ở BV Bệnh nhiệt đới TƯ và Bệnh viện K thì chuỗi lây nhiễm COVID-19 đã tới Bắc Ninh, Lạng Sơn rồi lan sang Hòa Bình, Bắc Giang.

Nếu ổ dịch tại bệnh viện có thể kiểm soát bằng biện pháp cách ly thì ổ dịch ở nơi tập trung đông người hoặc khu công nghiệp (KCN) lớn lại phức tạp hơn và khó truy vết đầy đủ. Vì vậy, việc cắt đứt chuỗi lây nhiễm để hạn chế sự xuất hiện của ổ dịch mới cần được thực hiện nhanh chóng và triệt để hơn.

dich-covid-19-3
Kiểm soát nhanh chóng và chặt chẽ ổ dịch tại khu công nghiệp

Tuy nhiên, đợt dịch này không chỉ xuất hiện các ổ dịch phức tạp mà còn có sự lây nhiễm chồng chéo lẫn nhau. Ví dụ, BN 3173 (BV Bệnh nhiệt đới TƯ) đã lây cho người là BN 3183 (trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Sau đó BN 3183 trở thành nguồn lây cho BN 3252 (trú tại xã Hiệp Thuận, H.Phúc Thọ).

Cũng từ ổ dịch BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, tỉnh Nam Định ghi nhận 1 ca là BN 3229, 16 tuổi, địa chỉ tại huyện Trực Ninh. Ca bệnh này có liên quan dịch tễ với BN 3166 ở Bệnh viện K Tân Triều. Đồng thời, Bệnh viện K lại là nguồn lây cho ca bệnh 3238, 3239 ở Lạng Sơn, từ đây tiếp tục hình thành chùm lây nhiễm mới tại Lạng Sơn.

Với diễn biến của đợt dịch thứ 4, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 2 kịch bản theo mô hình dự báo dịch SEIQHCDR, sử dụng số liệu dịch tễ, lâm sàng, xã hội học của Việt Nam và có tham khảo phân tích tổng hợp dữ liệu từ các nước trên thế giới.

Kịch bản 1: Giả định cả nước giữ nguyên biện pháp phòng dịch hiện tại, đỉnh dịch sẽ nằm ở tuần 3-4 của tháng 5/2021 với số ca nhiễm mỗi ngày có thể đạt mức 150-210 ca (số ca thực nhiễm trong cộng đồng). Như vậy, dịch có thể kết thúc vào giữa hoặc cuối tháng 6/2021.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chưa có đủ thông tin chi tiết về dịch tễ các ca bệnh tại ổ dịch ở KCN Bắc Giang nên có thể giả định này chưa phản ánh chính xác tình hình của đợt dịch. Bên cạnh đó, nếu không giãn cách xã hội kịp thời thì mầm bệnh cũng lây lan âm thầm và tạo ra ổ dịch lớn ở nhiều tỉnh thành.

Kịch bản 2: Thực hiện giãn cách xã hội, giảm tiếp xúc trên quy mô cấp tỉnh, thành với các địa phương có nguy cơ cao và số ca nhiễm mới tăng. Khi đó, đỉnh dịch vẫn ở tuần 3-4 tháng 5, tuy nhiên dịch có thể kết thúc sớm hơn với số ca tích lũy ít hơn.

Tin trong ngày:

>> 15 người ở Đà Nẵng tụ tập xem... đá gà bất chấp sự nguy hiểm của dịch COVID-19 

>> Giám đốc Công ty Hosiden Bắc Giang dương tính với COVID-19

>> Vingroup và ngành ngân hàng hỗ trợ 400 tỷ đồng cho Quỹ mua vaccine phòng COVID-19