Đời Sống

Công dân đổ xô nhận bảo hiểm xã hội một lần: Nguyên nhân do đâu?

An Nhiên - 15/04/2021 10:14 GMT+7

Hiện nay, một bộ phận lớn người lao động vẫn lựa chọn bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần do nó có thể giúp họ giải quyết khó khăn trước mắt, tuy nhiên về lâu dài thì họ sẽ không có thu nhập để bảo đảm cuộc sống khi về già.

Chính sách BHXH một lần được quy định tại Điều 60 Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH 13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện các chính sách BHXH một lần đối với người lao động (NLĐ). NLĐ được quyền yêu cầu hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp:

  • Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
  • Đối tượng ra nước ngoài để định cư.
  • Người gặp phải một trong những bệnh nguy hiểm tới tính mạng như bại liệt, ung thư, xơ gan cổ trướng, lao nặng, phong, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và các bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách BHXH một lần đối với NLĐ quy định như sau:

  • Trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc.
  • Người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH một lần.
  • Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc được tính theo số năm đã đóng BHXH, mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014.
  • Bằng hai tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
bhxh-mot-lan
Hiện nay, nhiều người lao động quyết định nhận bảo hiểm xã hội một lần

Nguyên nhân khiến người dân đổ xô đi nhận BHXH một lần trong thời gian qua là:

Do nhu cầu tài chính ngắn hạn của NLĐ sau khi nghỉ việc. NLĐ gặp phải khó khăn về tài chính, cần chi phí để sinh hoạt, trang trải nợ nần, đầu tư cho con ăn học. Đồng thời, họ không muốn và cũng không có đủ khả năng về tài chính để tiếp tục tham gia BHXH.

Một nguyên nhân khác là do khả năng tiếp cận thông tin còn hạn chế, bị ảnh hưởng bởi các nguồn tin không chính thống trên mạng xã hội. Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tổ chức thực hiện còn đang thiếu chiến lược truyền thông tổng thể để định hướng dư luận và cung cấp thông tin chính xác về chính sách trước khi đưa ra quyết định của mình.

Thiết kế chính sách BHXH hiện hành còn gặp phải rào cản nên chưa có khả năng thu hút sự tham gia của NLĐ. Cụ thể, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để được hưởng lương hưu là đủ 20 năm. Điều này đã dẫn tới việc phần lớn NLĐ khi nghỉ việc mới chỉ có từ ba đến dưới 10 năm đóng góp sẽ khó để quyết định chờ đợi đóng tiếp cho đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tuy nhiên, điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng với mức hưởng hấp dẫn so với mức đóng góp của NLĐ.

Thứ ba là do thiếu quan hệ tương hỗ từ chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Mục tiêu của chính sách này là hướng NLĐ sớm trở lại với công việc thông qua những chính sách như giới thiệu việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề, thực hiện trợ cấp thất nghiệp để bảo đảm NLĐ có nguồn thu trước mắt và khắc phục các khó khăn do bị mất việc làm. Việc thực hiện tốt chính sách BHTN sẽ giải quyết được một phần bài toán về tài chính ngắn hạn để NLĐ yên tâm ổn định cuộc sống.

bhxh-mot-lan-1
Một trong những lý do cho việc nhận BHXH một lần là do NLĐ cần chi phí trang trải cuộc sống

Các quy định của pháp luật là tiền đề, dẫn tới thực trạng thực hiện chính sách BHXH một lần thời gian qua được cho là khá thông thoáng và thuận lợi. Điều này phản ánh ở số đối tượng thụ hưởng chính sách liên tục tăng cao, đặt ra các thách thức trong việc mở rộng độ bao phủ BHXH, bảo đảm an ninh thu nhập cho NLĐ khi hết tuổi lao động, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. 

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, giai đoạn từ 2014 - 2020, cơ quan BHXH đã giải quyết chi trả cho gần 4,5 triệu người hưởng BHXH một lần, bình quân mỗi năm có hơn 600 nghìn người hưởng chính sách này, tương đương với số người tham gia thêm mới hàng năm.

Nếu so sánh về tỷ lệ thì số người hưởng BHXH một lần so với số người tham gia BHXH bắt buộc chiếm bình quân 4,7%; tương đương với tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bình quân cả giai đoạn 2014 - 2020. Điều này đồng nghĩa với việc, có hai người mới tham gia vào BHXH thì sẽ có một người cũ rời khỏi hệ thống.

Thay đổi mức hưởng BHYT: Bệnh nhân trái tuyến sẽ được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú trên cả nước