Đời Sống

Cẩn thận trước chiêu trò làm giả chứng minh nhân dân, thay chữ ký rút tiền ngân hàng

An Nhiên - 05/04/2021 15:00 GMT+7

Một băng nhóm đã sử dụng chứng minh nhân giả để yêu cầu nhân viên ngân hàng ở TP.HCM thay chữ ký, đổi tài khoản và chuyển hết tiền từ tài khoản cũ sang tài khoản mới để chiếm đoạt tài sản.

Công an cho biết, vào ngày 11/3, Lê Văn Nam đã tới chi nhánh ngân hàng ở khu dân cư Trung Sơn và sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) tên L.Q.T. yêu cầu nhân viên ngân hàng khóa tài khoản tên anh T. Sau đó, người này làm thủ tục mở tài khoản mới tại ngân hàng, chuyển số tiền 45 triệu đồng từ tài khoản cũ sang tài khoản mới và thay đổi chữ ký. Khi phát hiện tài khoản không giao dịch nhưng vẫn bị trừ tiền, anh L.Q.T. nghi vấn có sự giả mạo nên đã trình báo sự việc và cung cấp hình ảnh cho cơ quan chức năng.

Sáng 26/3, đối tượng Nam tiếp tục đến chi nhánh ngân hàng này, sử dụng CMND mang tên V.H.K. để làm thẻ ATM thì bị cảnh sát bắt giữ. Sau đó, công an triệu tập những người thuê Nam sử dụng CMND giả để mờ tài khoản và thu mua lại thẻ ATM, sim để chiếm đoạt tiền.

the ngan hang

Khi khám xét nơi ở của nhóm người, lực lượng chức năng thu giữ được 495 CMND, 44 giấy phép lái xe và 85 thẻ ngân hàng. Trao đổi với báo chí, các ngân hàng cho biết theo quy định thì việc rút tiền từ tài khoản phải có CMND và thẻ căn cước của chủ tài khoản.

Nhân viên ngân hàng sẽ đối chiếu hình ảnh trên CMND hoặc thẻ căn cước với nhân dạng người yêu cầu rút tiền, kiểm tra chữ ký của người yêu cầu rút tiền và so sánh với chữ ký trên hồ sơ. Chỉ khi thỏa mãn các bước kiểm tra nêu trên, khách hàng mới rút được tiền.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM thông tin thêm, mỗi người đều có một chữ ký khác nhau nên nếu chưa nhìn thấy chữ ký đó trước đây thì các đối tượng rất khó làm giả. Vì vậy, nếu người khác có thể dùng CMND giả yêu cầu nhân viên ngân hàng thay chữ ký, đổi tài khoản và chuyển hết tiền từ tài khoản cũ sang mới thì đó có thể là sơ suất của nhân viên ngân hàng.

Theo vị giám đốc này, theo quy trình phải đối chiếu được gương mặt khách hàng với thông tin đang có tại ngân hàng và đối chiếu chữ ký. Nếu chữ ký trùng khớp mới đến bước thay đổi chữ ký. Tuy nhiên, có một số trường hợp giao dịch viên xử lý theo cách chữ ký không đúng sẽ đề nghị khách hàng ký lại, thậm chí đưa mẫu chữ ký cũ để khách nhìn và ký cho đúng... Đây chính là kẽ hở để kẻ gian qua mặt.

gia-chu-ky-lua-dao-1
Một số đối tượng đã thay đổi chữ ký để thuận lợi cho việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Mặc dù đang trong thời kỳ dịch bệnh nhưng nhân viên ngân hàng vẫn yêu cầu khách hàng kéo khẩu trang để nhận diện khi thực hiện các giao dịch gửi, rút tiền, nộp tiền vào tài khoản. Khi phát hiện tình trạng dùng CMND giả, thay chữ ký... để rút tiền, nhiều ngân hàng đã phát cảnh báo trên toàn hệ thống.

Trường hợp dấu mộc giáp lai giữa CMND và hình ảnh trên CMND cũng phải được soi kỹ vì kẻ giả mạo thường dán hình của họ vào CMND của người khác nên hình ảnh thường không có dấu hoặc bị làm giả dấu giáp lai.

gia-chu-ky-lua-dao-2
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã phát cảnh báo tình trạng làm giả CMND và thay chữ ký trên toàn hệ thống

Hiện nay, ngân hàng Phương Đông (OCB) đã  yêu cầu toàn hệ thống đề cao cảnh giác, kiểm tra các dấu hiệu đáng ngờ và áp dụng biện pháp kiểm tra tăng cường khi nghi ngờ sử dụng CMND giả. Ngân hàng sẽ từ chối giao dịch nếu phát hiện giấy tờ tùy thân giả hoặc khách hàng không thể cung cấp các thông tin để kiểm tra tăng cường. OCB không chỉ cảnh báo người trong nước mà còn cả ở nước ngoài, đặc biệt là người gốc Phi sử dụng hộ chiếu, visa để mờ tài khoản. 

Lừa đảo nâng cấp sim từ 3G lên 4G: Nhiều người mất oan hàng chục triệu đồng