Thông tin mới nhất về vụ giải cứu bé trai 10 tuổi ở Đồng Tháp, lực lượng cứu hộ đã đưa được đốt cọc 1 dài 12m lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.
UBND tỉnh Đồng Tháp trao đổi với Vietnamnet, cho biết tổ Điều hành tiếp tục đào đất bằng gầu cạp, trong quá trình đào có sử dụng bentonite để giữ ổn định thành vách đến độ sâu âm 19m so với đầu cọc bê tông và còn 5m là đến đầu đốt cọc số 3.
Do chiều dài tự do đầu cọc lớn nên phải cắt mối nối 1 và đưa đốt 1 lên khỏi hố móng và bịt kín đầu cọc đoạn 2 vào lúc 3h30 ngày 16/1 để tránh cọc bị đổ nghiêng.
Hiện nay, công việc tiếp theo của lực lượng cứu hộ là tiếp tục đào đất trong lòng hố móng để đạt được độ sâu âm 23m tính từ đầu cọc bêtông (cách mối nối thứ hai hay đầu đoạn thứ ba khoảng 1m).
Sau đó, thực hiện đưa ống vách D2100 lên mặt đất và triển khai bước cứu hộ tiếp theo.
Lý giải nguyên nhân cứu hộ bé Nam mất nhiều thời gian hơn dự kiến, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, do công tác đào đất xung quanh khu vực bé gặp nạn và phải gia cố theo từng tầng. Sau đó mới tiến hành nhổ cọc theo các bước trong kế hoạch. Đây là lý do chính khiến khiến công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn và kéo dài hơn dự tính.
Trước đó, vào khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, một nhóm trẻ con đã đến khu vực công trình cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi để nhặt sắt vụn. Trong lúc sơ suất, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) đã rơi xuống hố trụ. Trích xuất từ camera an ninh cho thấy ngay sau khi phát hiện bé Nam lọt xuống hố trụ rỗng, cả 3 đứa trẻ đi cùng đã hô hoán để người lớn nghe thấy nhưng bất thành. Sau khoảng 10 phút thì người nhà bé Nam có mặt tại hiện trường.
Trao đổi trên báo Dân trí, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết việc cứu hộ cháu bé 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông chưa từng có tiền lệ ở tỉnh. Thời điểm sự việc mới xảy ra, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc tìm cách xử lý cứu hộ cứu nạn, đưa các loại thiết bị tân tiến tới để nhổ cọc lên. Tuy nhiên, vấn đề cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn.