Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao lan truyền đoạn video của tài khoản TikTok Hoàng Minh có nội dung kỳ thị người dân miền Trung gây bức xúc. Theo đó, người này đăng video lên mạng xã hội TikTok với câu hỏi: “Bạn nghĩ sao về người miền Trung”.
Đáng nói, trong đoạn video, ngoài các nhân vật trả lời phỏng vấn khác thì chính TikToker này đưa ra lời nhận xét: “Người miền Trung rất keo kiệt và bủn xỉn, hà tiện, khôn lỏi, lúc nào cũng nghĩ cho bản thân, gia đình của họ trước, không có tinh thần xã hội, không có tinh thần đất nước… nên miền Trung rất kém phát triển so với những miền còn lại…”.
Đoạn video ngay khi được đăng tải đã thu hút sự quan tâm lớn của cư dân mạng với hơn 3,8 triệu lượt xem, hơn 50 nghìn lượt thích cùng hàng ngàn lượt bình luận và chia sẻ. Hầu hết, mọi người đều lên án gay gắt với quan điểm kỳ thị vùng miền của tài khoản này. Đây là hành động chia rẽ khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam đáng bị phê phán.
Nắm được sự việc, sáng 13/8, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Lâm Đồng đã triệu tập chủ tài khoản TikTok Hoàng Minh, tên thật là H.N.M (sinh năm 1999, địa chỉ thường trú: Biên Hòa, Đồng Nai, tạm trú: Phường 4, Đà Lạt, Lâm Đồng) để làm rõ về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân.
Tại cơ quan công an, H.N.M thừa nhận video là do anh ta thực hiện tại quảng trường Lâm Viên, TP. Đà Lạt. Trong số người H.N.M phỏng vấn có cả những nhận xét tích cực về người miền Trung nhưng đối tượng chỉ lấy những đoạn nhận xét tiêu cực rồi cắt ghép, chỉnh sửa thành video chứa nội dung phê phán đăng tải lên mạng xã hội TikTok.
Đối tượng M. khai mục đích làm video trên nhằm câu view, câu like, thu hút sự quan tâm của nhiều người để sớm trở thành người nổi tiếng.
Theo Dân Việt đưa tin, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lâm Đồng hiện đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý hành vi trên của H.N.M.
Trước khi đăng tải video kỳ thị người dân miền Trung, tài khoản này còn sản xuất rất nhiều nội dung nhảm nhí. Trong số đó có video phê phán những người đi xe máy số từng bị nhiều cư dân mạng “ném đá”.