Vào ngày rằm tháng 7, mạng xã hội xôn xao lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh nhiều sư thầy và người dân đang phóng sinh một con cá hải tượng “khủng”. Sự việc diễn ra tại một bến phà thuộc quận 8, TP.HCM. Con cá hải tượng được phóng sinh là do một nhà hảo tâm nuôi đã lâu.
Ngay khi đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội đã vấp phải làn sóng tranh cãi gay gắt từ cư dân mạng. Hầu hết mọi người đều lên tiếng chỉ trích khi cho rằng loài cá trên là sinh vật ngoại lai ăn tạp, khi thả xuống môi trường sẽ mất cân bằng sinh thái.
Một số bình luận tiêu biểu của cư dân mạng như:
- Chim cá đang sống tự do, đem bắt về, rồi lại mang thả, và cho rằng mình đã phóng sinh nó, đã cứu vớt sinh mạng nó, đây là hành động u mê và lừa dối chính bản thân mình.
- Giết 1 con cò để cứu trăm con tép là việc nên làm!
- Làm việc thiện được là tốt nhưng nếu không hiểu biết vô tình thành phản tác dụng!
- Ví dụ rõ nhất của câu: Nhiệt Tình + Ngu Dốt ra Phá Hoại.
- Phước không đâu chả thấy, chỉ thấy nghiệp. Ít bữa nó ăn sạch tôm cá ở hồ.
- Cá lớn ăn cá bé, đó là quy luật tự nhiên, trả về với quy luật tự nhiên thì sai chỗ nào.
Liên quan đến sự việc trên, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết đã nắm được thông tin và cho rằng đây là hành động phản cảm, thậm chí vi phạm quy định của pháp luật.
Trao đổi với Infonet, ông Hùng cũng cho biết: "Cá hải tượng là sinh vật ngoại lai, không nằm trong danh mục được nuôi tại Việt Nam. Cá hải tượng có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Cá hải tượng có đặc tính hung dữ, ăn tạp, ăn các loài cá, tôm. Nếu thả cá này ra môi trường sẽ ảnh hưởng đến các loài khác, làm mất cân bằng sinh thái ở một vùng nước nào đấy".
“Việc thả vào tự nhiên không phải loài nào cũng được thả và ở đâu cũng thả được. Tuỳ theo vùng nước khác nhau mà thả các loài khác nhau và thả các loài nguy cấp, quý hiếm. Còn những sinh vật ngoại lai ăn tạp như cá hải tượng thì không được thả”, ông Hùng nói.