Thông tin trên tờ Tuổi Trẻ, ngày 5/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (14 tuổi, ở Hải Dương) bị giật nát bàn tay trái do nổ điện thoại.
Qua khai thác, bệnh nhân cho biết khi đang sử dụng điện thoại thì bất ngờ điện thoại phát nổ. Hậu quả khiến thiếu niên này bị dập nát bàn tay trái. Ngay khi phát hiện vụ việc, người nhà đã đưa nạn nhân đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Theo Người Lao Động đưa tin, Tiến sĩ - bác sĩ Ngô Thái Hưng, Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình thuộc Bệnh viện Trung ương quân đội 108, cho biết nam bệnh nhân bị nát da gan tay và cơ ngón cái, hở lộ khối xương trụ cốt, gãy hở các xương bàn. Đầu các ngón tay nuôi dưỡng kém, dập nát cả 5 ngón...
Tại bệnh viện, bệnh nhân được các bác sĩ kịp thời phẫu thuật, cắt lọc vết thương, chỉnh trục các ngón, găm đinh cố định, khâu định hướng vết thương.
Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo nhưng vẫn cần theo dõi do các tổn thương dạng này thường đi kèm hoại tử thứ phát sau phẫu thuật.
"Gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn do nổ điện thoại khi chơi điện tử trong thời gian liên tục hoặc vừa sử dụng vừa sạc gây cụt chi, bỏng mặt... Do đó, người dân nên cẩn thận trong việc sử dụng điện thoại, không nên chơi điện tử lâu, sử dụng các loại sạc điện thoại đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi đang sạc để tránh sự cố", bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Được biết, có nhiều nguyên nhân khiến điện thoại thông minh bốc cháy hoặc phát nổ và hầu như nguyên nhân nào cũng liên quan đến pin của thiết bị. Các thiết bị di động hiện đại được cung cấp bởi pin lithium-ion, chứa các điện cực âm và dương được cân bằng cẩn thận để sạc.
Khi xảy ra sự cố, các bộ phận bên trong pin có thể bị hỏng và tạo ra các phản ứng dễ bay hơi có thể dẫn đến hỏa hoạn. Điều này có thể xảy ra vì một số lý do, nhưng vấn đề phổ biến nhất là quá nóng. Nếu pin đang sạc hoặc bộ xử lý làm việc quá sức trở nên nóng quá nhanh, nó có thể làm hỏng tính chất hóa học của các bộ phận trong điện thoại của bạn.
Với pin, một phản ứng dây chuyền được gọi là hiện tượng thoát nhiệt có thể khiến pin sinh ra nhiều nhiệt nhanh hơn và cuối cùng bắt lửa hoặc phát nổ.
Ngoài ra, có nhiều lý do khác khiến điện thoại của bạn quá nóng như hư hỏng vật lý (hư hỏng do rơi vỡ) có thể phá hủy hoạt động bên trong của pin. Hoặc để điện thoại dưới ánh nắng mặt trời quá lâu, phần mềm độc hại làm CPU hoạt động quá mức hoặc lỗi sạc đều có thể gây đoản mạch bên trong thiết bị.
Bên cạnh đó, pin xuống cấp theo thời gian, vì vậy nếu thiết bị đã được sử dụng trong vài năm, các bộ phận bên trong có thể bị đổi màu, gây phồng và quá nóng thì đây cũng chính là thủ phạm gây cháy nổ điện thoại.