Ngày 17/8, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đã tiến hành bắt tạm giam Bùi Thanh Ng. (21 tuổi, ngụ phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để điều tra về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.
Theo CAND đưa tin, vào đầu tháng 5/2022, một bé gái 14 tuổi (trú tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) đã nhắn tin cho đối tượng Bùi Thanh Ng. để vay tiền. Lúc này, Ng. đồng ý và đưa ra yêu cầu bé gái phải thế chấp bằng hình ảnh, video khoả thân và video quan hệ tình dục với người khác giới.
Vì cần tiền tiêu xài, bé gái đã chấp thuận yêu cầu của Ng. và gửi cho đối tượng 3 đoạn video và 1 ảnh nóng để được cho vay số tiền 45 triệu đồng, lãi suất theo hai bên tự thoả thuận.
Thời gian đầu, bé gái trả gốc và lãi đầy đủ. Tuy nhiên, đến ngày 18/5, do bé gái không còn khả năng trả nợ nên Ng. đã phát tán video và ảnh “nóng” của nạn nhân lên mạng xã hội và gửi cho nhiều người thân trong gia đình của bé gái để uy hiếp.
Trước sức ép của Ng., bé gái sau đó đã vay mượn được ít tiền rồi trả cho đối tượng và được gỡ bỏ những video và ảnh “nóng” xuống.
Sau khi nắm được sự việc, mẹ của bé gái đã liên hệ với Ng. để thoả thuận trả nợ thay con gái. Lúc này, Ng. thông báo số tiền nợ còn lại là 55 triệu đồng và nếu trả hết thì sẽ không phát tán video và ảnh “nóng” lên MXH.
Vì thương con, người mẹ đã đồng ý trả số tiền nợ còn lại cho Ng. với thoả thuận trả 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong lần nhận tiền của tháng đầu tiên, Ng. đã bị Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk bắt quả tang.
Tại cơ quan chức năng, đối tượng Ng. khai nhận đã dùng thủ đoạn trên cho 3 người khác vay nợ.
“Qua vụ việc này, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần vay tiền phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng cá nhân thì nên tìm đến các tổ chức tín dụng, các ngân hàng hoạt động được Nhà nước cho phép để vay và trả lãi suất theo quy định. Tránh trường hợp chúng ta đi vay ngoài sẽ để lại hậu quả khó lường”, Thượng tá Phan Thanh Cường, Trưởng Phòng CSHS Công an Đắk Lắk nói.
“Điều 170: Tội cưỡng đoạt tài sản 1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.” |