Đời Sống

“Bà cô” đi ngược chiều, còn ngang ngược túm áo CSGT đòi trả bằng lái xe

Hương Ly - 26/04/2022 11:02 GMT+7

Trước hành vi chống đối của người phụ nữ, lực lượng chức năng buộc phải cưỡng chế đưa về trụ sở làm việc.

Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại tình huống giao thông nhận về nhiều ý kiến bức xúc từ dân mạng. Được biết, vụ việc xảy ra tại khu vực đường Nhà hát lớn (TP. Hải Phòng).

Theo đó, một người phụ nữ trung tuổi bị công an bắt giữ vì lỗi đi ngược chiều và bị giữ bằng lái xe. Tuy nhiên, thay vì chấp hành thì người này lại tỏ ra thái độ hung hăng, thậm chí còn liên tục túm áo một chiến sĩ CSGT.

"Tôi bảo anh đưa bằng lái xe đây, tôi không ăn cắp ăn trộm", người phụ nữ vừa túm áo chiến sĩ cảnh sát vừa chửi bới.

nguoi-phu-nu-tum-ao-csgt-gay-buc-xuc

Trước thái độ ngang ngược của người vi phạm, cả 2 chiến sĩ CSGT đều bình tĩnh khuyên nhủ: “Tôi cảnh cáo chị, chị bỏ tay ra, tôi đang mặc sắc phục nhà nước. Chị đang vi phạm giao thông, chúng tôi được tạm giữ bằng lái xe".

Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn một mực đòi bằng được bằng lái xe: “Không tạm giữ gì cả, tôi bảo tôi sẽ đi theo anh nhưng các anh không được giữ bằng lái xe của tôi".

Sau một hồi giằng co, cả hai chiến sĩ CSGT buộc phải dùng biện pháp cưỡng chế đưa người phụ nữ này về trụ sở làm việc. Nhiều người dân chứng kiến vụ việc cũng tỏ ra ngán ngẩm với hành vi chống đối của người này. “Cô ơi cô sai rồi”- một người dân khuyên can.

nguoi-phu-nu-tum-ao-csgt

Đoạn clip ngay khi được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm lớn của cư dân mạng. Hầu hết, mọi người đều lên án hành vi túm áo CSGT của người phụ nữ. Số khác thì mong muốn người vi phạm sẽ bị trừng phạt thích đáng để răn đe cho những người khác.

Theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015, bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về mức phạt đối với hành vi chống người thi hành công vụ như sau:

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

  • Có tổ chức;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
  • Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
  • Tái phạm nguy hiểm.”

Và khi hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý hành chính.

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

 Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;
  • Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
  • Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  • Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;
  • Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;
  • Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

Theo luatlongphan.vn

Tin phổ biến