Với tính cách năng động và tư duy hiện đại, gen Z được đánh giá là thế hệ bản lĩnh, tự tin và sẵn sàng thử thách. Họ dám phá bỏ tư tưởng sống an phận, luôn sáng tạo để tìm hướng đi mới và làm nên những giá trị khác biệt. Con đường ấy tất yếu sẽ có khó khăn, thử thách, nhưng vì tính cách ưa mạo hiểm, đam mê trải nghiệm cùng bản lĩnh đương đầu, gen Z chọn cách đối mặt thay vì từ bỏ. Họ đặt chữ “dám” vào tuyên ngôn sống của mình để tạo dựng nên một cộng đồng trẻ trung hiện đại, một thế hệ “nghĩ khác và mơ lớn”.
Tuy nhiên cũng chính vì hy vọng được chứng tỏ bản thân ấy mà gen Z đôi khi tự mang trong mình một loại áp lực vô hình đó là gánh nặng khao khát nhận được sự công nhận, ngưỡng mộ từ những người khác.
Ban đầu, người ta lầm tưởng rằng sự ngưỡng mộ là động lực giúp bản thân nỗ lực nhiều hơn. Nhưng rồi cuối cùng chính nó lại khiến mình luôn cảm thấy thất vọng về bản thân mỗi khi làm gì đó mà không nhận được sự ngưỡng mộ.
Nguyên nhân của điều đó đến từ chính những áp lực đồng trang lứa. Tôi đã từng nghe đến một hội chứng mang tên FOMO (Tạm dịch: “Hội chứng sợ bị bỏ lỡ”). Đây là một hiện tượng thường thấy trong giới trẻ hiện nay. Việc cập nhật liên tục thông tin và hình ảnh về cuộc sống của người khác làm cho thế hệ này thường xuyên có cảm giác thất vọng về bản thân. Do vậy, họ càng khao khát đi tìm kiếm sự công nhận từ người khác.
Càng ngày chúng ta càng bị cuốn vào vòng xoáy vô hình mang tên áp lực được thừa nhận. Ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người trẻ lao đầu vào công việc, bỏ bê sức khỏe, gia đình. Tất cả chỉ để đổi lại những lời khen hay ánh mắt ngưỡng mộ của người khác.
Thế nhưng chính điều đó cũng khiến gen Z “héo mòn” trong tuyệt vọng. Tôi đã từng thay đổi nhận thức rất nhiều khi đọc "Tìm bình yên giữa vạn biến". Cuốn sách kể về Dave, một con người mà chỉ trước đây vài năm thôi, đã có gia đình viên mãn cùng năm đứa con xinh đẹp, khói tài sản lên đến hơn 2 triệu USD và một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ. Thế nhưng Dave của hiện tại lại là một người đàn ông đã ly hôn, phá sản, túi cạn tiền và lòng đầy chán nản.
Và chỉ khi đã mất hết mọi thứ trong tay, chàng trai ấy mới nhận ra cuộc sống này vốn là của chính mình, tại sao phải quá để tâm đến ánh mắt của người khác? Giữ cho cuộc sống cân bằng giống như ví người diễn viên xiếc giữ 7 chiếc đĩa luôn xoay trên không trung. Và chỉ khi bạn có khả năng cân bằng cuộc sống, lúc ấy mọi thứ sẽ diễn ra theo cách của riêng bạn: hạnh phúc và tự do.
Không chỉ với gen Z mà bất kể thế hệ nào, hãy cứ chấp nhận rằng việc bản thân cảm thấy “không ổn”. Bởi lẽ khi bạn nhận thức được bản thân đang ở đâu, có vấn đề gì đồng nghĩa với việc bạn đang chuẩn bị bước vào hành trình đi tìm chính mình và rồi từng bước học được những bài học mới.