1. Di chuyển tới núi Trầm
Thuộc xã Phụng Châu huyện Chương Mỹ và chỉ cách Hà Nội chưa đầy 1h di chuyển, đường tới núi Trầm tương đối dễ đi. Để tham quan núi Trầm, bạn có thể di chuyển bằng xe máy, ô tô cá nhân. Hoặc lựa chọn xe bus. Thuận tiện nhất là phương tiện cá nhân vừa chủ động được thời gian lại có thể ngắm cảnh trên đường đi.
Hôm đó nhóm mình lựa chọn di chuyển bằng xe máy: đi theo hướng về Hà Đông. Và đi thẳng theo đường Quốc Lộ 6 hướng đi Hòa Bình. Sau khi đi khoảng 25km là tới thị trấn Chúc Sơn. Tới đây mình hỏi người dân đường đi núi Trầm. Sau đó đi chừng 3 km nữa là núi Trầm ngay trước mắt rồi.
Đến nơi, chúng mình gửi xe tại nhà dân dưới chân núi và đi theo con đường mòn để leo tới đỉnh núi. Nếu các bạn không có xe máy thì cũng có thể đi xe buýt cũng rất đơn giản: bạn có thể đi tuyến xe bus số 37, 57 và 80. Sau đó xuống điểm Vực Ninh, núi Trầm cách bến xe bus khoảng 2km nên bạn có thể đi xe ôm hoặc đi bộ.
2. Núi Trầm có gì?
Đặt chân tới núi Trầm mình thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ nơi đây. Những con đường mòn mềm mại uốn cong trải dọc sườn núi, những mỏm đá trắng bào mấp mô trên đỉnh núi mang đậm dấu ấn của thời gian, có lẽ vì thế mà núi Trầm được mệnh danh là "cao nguyên đá Hà Giang thu nhỏ".
Tuy không cao nhưng núi Trầm được điểm tô bởi nhiều vách đá dựng đứng cheo leo, hiểm trở tạo nên một thung lũng đá khổng lồ với vô vàn hình thù kì thú. Người dân địa phương gọi những ngọn núi thấp đó là "quả", quần thể núi Trầm gồm 6-7 "quả" như thế. Thành tích leo núi ở đây tính bằng “quả” vì khi xuống ai cũng sẽ hỏi bạn được mấy “quả”.
Nhìn chung ngọn núi không quá cao nên việc leo núi không có gì khó khăn. Điều thú vị ở đây đó là có rất nhiều con đường để lên một quả lại không có đường mòn, leo phải bám đu rồi kéo đỡ nhau rất vui. Khi leo lên đến đỉnh núi thì cảm giác vô cùng tuyệt vời khi sau lưng là đồng ruộng, trước mặt là núi như cao nguyên trong phim Mỹ tuyệt vời. Có nhiều mỏm đá, nhiều ngọn đỉnh để các bạn chụp ảnh không thể đẹp hơn.
Giữa khung cảnh như thế thì còn gì tuyệt vời hơn một buổi picnic ngoài trời. Sau khi chinh phục được 2 "quả" thì cũng đến tầm trưa, chúng mình đã chuẩn bị đồ ăn nhẹ ở nhà như bánh mì, hoa quả, xúc xích, sữa,... thế là có ngay một bữa trưa đơn giản nhưng được ăn uống trong không gian cực chill ở núi Trầm rồi.
Sau khi ăn uống và nghỉ ngơi một chút, chúng mình bắt đầu chinh phục những "quả" còn lại. Đặt chân lên đỉnh núi là mở ra trước mắt mình một không gian vô cùng rộng lớn, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và hữu tình, phía dưới là những thảm cỏ xanh mướt, mềm mại, phía xa xa là miền quê thanh bình thẳng cánh cò bay.
Có lẽ hiếm có địa điểm nào chỉ cách trung tầm thành phố 40km lại sở hữu một view đỉnh như vậy, núi Trầm là một tọa độ ngắm cảnh cực kỳ đắt giá không thể bỏ qua. Cắm trại núi Trầm là
Nướng thịt, hát hò, tâm sự cùng nhau giữa không gian bao la rộng lớn như thế là một trải nghiệm mà có lẽ mình sẽ không thể nào quên. Sau khi ăn uống ngủ nghỉ no say thì sáng hôm sau, chúng mình đi tham quan một số địa điểm gần đây trước khi trở về thành phố.
3. Những địa điểm quanh núi Trầm
-
Tham quan chùa Trầm:
Chùa Trầm trước tiên là một di tích lịch sử, khi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến lần đầu tiên được phát ra từ đây. Ngoài ra khu hang cũng rất thú vị, với các tác phẩm điêu khắc, nắng xiên v.v… Khi vào chùa, mình có cảm giác cực kỳ thoải mái và yên bình, như trút được hết những mệt mỏi, áp lực hàng ngày
-
Động Long Tiên
Hay còn gọi là chùa Hang (Hang Trầm) là một ngôi chùa có thiết kết độc đáo, nằm trong một hang động lớn và được xem là là công trình độc đáo bậc nhất ở Việt Nam hiện nay. Bên ngoài cửa động Long Tiên không quá lớn, có hình dáng vòm, nhưng khi đi vào trong bạn sẽ thấy diện tích trong động khá rộng, không gian thoáng đãng, mát mẻ và dễ chịu.
Tại đây bạn có thể dâng hương ở những bàn thờ Phật và những bức tượng vị La Hán được xếp xung quanh.
Bên cạnh đó, nơi đây còn lưu trữ rất nhiều điều thú vị cho bạn tha hồ khám phá, nổi bật như là những bài thơ cổ được khắc trên vách đá, với nội dung nhằm ca tụng vẻ đẹp của núi Trầm.
4. Nên đi cắm trại núi Trầm mùa nào?
Mặc dù bạn có thể đến núi trầm vào bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng theo kinh nghiệm du lịch núi Trầm của mình thì đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4 là khoảng thời gian đẹp nhất. Vào lúc này, các bạn sẽ được ngắm hoa Sưa trắng xóa cả 1 vùng núi hay hoa Gạo nở đỏ rực. Điều này sẽ góp phần làm nên một khung cảnh rất đỗi tuyệt vời.
Còn nếu bạn muốn trải nghiệm lễ hội chùa Trầm thì hãy đến đây vào 2/2 (âm lịch). Hoặc bạn cũng có thể đến đây vào khoảng thời gian tháng 4 – 5, cũng là thời điểm du lịch núi Trầm rất lý tưởng. Bởi thời gian này nhiệt độ vẫn mát mẻ, chưa nắng gắt, thuận tiện cho các hoạt động leo núi hay cắm trại đều rất tuyệt vời.
5. Những lưu ý khi cắm trại núi Trầm
Theo kinh nghiệm cắm trại núi Trầm của mình thì bạn nên chú ý những điều sau để buổi cắm trại diễn ra tốt nhất nha.
- Nếu đi bằng xe máy thì bạn nên bảo dưỡng toàn bộ xe trước khi thực hiện chuyến đi để tránh gặp các sự cố hỏng hóc xe trên đường đi. Xăng xe đổ đầy bình trước khi đi, bởi khi gần tới khu du lịch núi Trầm không có cây đổ xăng đâu nha.
- Mang theo áo dài tay để tránh nắng. Nếu muốn cắm trại qua đêm, thì bạn nên mang theo một bộ quần áo để thay đổi và các vật dụng vệ sinh cá nhân như kem đánh răng, bàn chải,… đi nhé. Về đêm ở núi Trầm khá lạnh bạn nên mang theo chăn và quần áo khoác mỏng.
- Nên đi giày thể thao ôm chân để thuận tiện cho việc đi lại, leo núi nha
Trên đây là tất tần tật kinh nghiệm cắm trại núi Trầm mà Saodaily đã tổng hợp giúp bạn. Hãy rủ bạn bè xách ba lô lên và trải nghiệm cắm trại núi Trầm ngay thôi nào!