1. Bánh khúc Hà Nội xưa và nay
Không ít người lần đầu tiên biết đến bánh khúc Hà Nội đều tưởng nhầm đây là xôi nếp trắng gói lá chuối và tự hỏi rõ ràng là xôi, tại sao gọi là bánh?
Nói về bánh khúc, thức quà dân dã, bình dị của người Hà Nội có lẽ nên bắt đầu từ câu hỏi phổ biến nhất “ Thành phần của bánh khúc là gì?”. Chúng mình xin tạm chia bánh khúc thành hai phần: lớp xôi bọc ngoài và phần khúc (phần bánh) để bạn có thể dễ hình dung hơn về kết cấu của món ăn này.
Lớp gạo bên ngoài quyết định một nửa thành công của chiếc bánh khúc. Nhất định phải chọn loại gạo nếp ngon, lúc đồ canh sao cho khéo để xôi không bị ướt hay khô quá, gây ảnh hưởng đến mùi vị của bánh.
Giờ thì nói đến phần bánh, quan trọng nhất chắc chắn là phần khúc. Lá khúc sau khi được thu mua từ những người nông dân sẽ được sơ chế sạch, đem luộc sơ, thái nhỏ rồi mới đem đi giã cùng bột gạo nếp. Sau đó người ta thêm lượng nước vừa đủ vào hỗn hợp bột lá khúc, nhào đều tay cho đến khi đạt được độ mịn, độ dẻo mong muốn.
Nhân bánh khúc tương tự bánh chưng truyền thống chỉ gồm hai nguyên liệu chính là đỗ xanh và thịt ba chỉ lợn. Sau khi thịt lợn được ướp cho thấm gia vị, đỗ xanh đã đồ và xay nhuyễn thì người ta bắt đầu nặn bánh khúc với lớp vỏ bên ngoài là bột gạo nếp lá khúc, tiếp theo là đậu xanh bao lấy phần thịt lợn.
Chắc hẳn là bạn sẽ thắc mắc là làm thế nào để gạo nếp có thể “ôm” được phần bánh khúc phải không? Câu trả lời nằm ngay trong chiếc video phía dưới đây, cùng chúng mình khám phá nhé.
Chiếc bánh khúc tròn tròn, to cỡ nắm tay được gói trong lá chuối xanh mướt, nhìn đơn giản là vậy mà lúc ăn thì dễ “ghiền" vô cùng. Lớp xôi bên ngoài dẻo mềm, kết hợp cùng phần vỏ bánh thơm mùi lá khúc, thêm chút bùi bùi của đỗ xanh và mằn mặn của thịt. Những ngày Hà Nội trở lạnh, nhất là buổi sáng ra đi làm vội, ghé hàng bánh khúc mua vội một phần thôi cũng đủ “ấm no” đến tận trưa rồi.
Ngày trước, trên mỗi con phố, ngõ hẻm của Hà Nội, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người bán hàng rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ, có điều kiện hơn thì là chiếc xe máy cà tàng, đằng sau chở thúng bánh khúc lúc nào cũng được giữ ấm cẩn thận. Văng vẳng đâu đây là tiếng rao “Bánh khúc đây. Xôi lạc bánh khúc đây” mà không ít người nghe nhầm thành “Tôi là bánh khúc đây”. Giờ đây, Hà Nội cũng “vơi” dần những gánh hàng rong, tập trung nhiều nhất hiện nay có lẽ là khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm.
2. Đi tìm hương vị bánh khúc nguyên bản ở những quán bánh khúc ngon nhất Hà Nội
Hà Nội quả thật không thiếu địa chỉ bán bánh khúc, với sự bùng nổ của “văn hóa ship”, chỉ ngồi ở nhà hay văn phòng, lướt điện thoại thôi cũng ra cả loạt shop online bán đồ ăn vặt. Nhưng nếu bạn muốn trải nghiệm cái cảm giác đứng cạnh nồi bánh nóng hổi, háo hức chờ người bán hàng xới từng chiếc cho vào lá chuối thì hãy theo chân bọn mình ghé ngay hai tiệm bánh khúc gia truyền lâu đời nhất đất Hà thành nhé.
-
Bánh khúc cô Lan
Địa chỉ: Cơ sở 1 - 69B Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, tp. Hà Nội
Cơ sở 2 - 20 Đường Lê Duẩn, Đống Đa, Hà Nội
Cơ sở 3 - 255 Thụy Khuê,Tây Hồ, Hà Nội
Cơ sở 4 – 29 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
Giờ mở cửa: 7h – 23h
Giá tham khảo: 15,000 VNĐ/bánh khúc
25,000 VNĐ/bánh khúc có chả
Ở đất Hà Nội này, hễ nói đến bánh khúc thì phải nhắc tên cô Lan đầu tiên. Cũng giống như lạc rang húng lìu bà Vân, bánh khúc cô Lan xuất hiện ở khắp mọi nơi nhưng thực tế chỉ có một số quán mới thực sự thuộc sở hữu của gia đình cô. Người ta nhớ đến bánh khúc cô Lan bởi chất xôi dẻo ngọt, phần bánh lúc nào cũng thơm mùi lá khúc và khá đầy đặn.
-
Bánh khúc Quân
Địa chỉ: 35 Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm, tp. Hà Nội
Giờ mở cửa: 6h – 23h
Giá tham khảo: 15,000 VNĐ – 25,000 VNĐ
Đã nhắc đến bánh khúc cô Lan thì không thể nào bỏ qua bánh khúc Quân phố cổ. Tọa lạc tại phố Cầu Gỗ luôn sầm uất và tấp nập, bánh khúc Quân là một cửa hàng nổi tiếng với những loại bánh, đồ ăn vặt truyền thống Hà Nội. Đặc trưng nhất của quán chính là bánh khúc Hà Nội. Hương vị của bánh khúc quán Quân thuần truyền thống, món mặn dùng kèm có thể lựa chọn giữa: ruốc thịt, chả giò thường và đặc biệt là chả cốm.
Những hương vị của ẩm thực Hà Nội luôn là sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu, đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo của người chế biến. Và bánh khúc chính là một món ngon như vậy, đằng sau một gói xôi khúc là cả một quá trình lựa chọn thành phần, chế biến mà có tận mắt chứng kiến rồi mới thấy cảm nhận được sự kỹ lưỡng, cầu kỳ.
Bạn đã có cơ hội thưởng thức bánh khúc Hà Nội chính hiệu của cô Lan hay quán Quân chưa? Nếu như đã từng trải nghiệm và bị thuyết phục hoàn toàn bởi hương vị của bánh khúc thì hãy comment và chia sẻ cùng Saodaily nhé!
>> Xem thêm: Mùa đông cận kề, bạn đã biết những quán bánh đúc nóng ngon ở Hà Nội chưa?