Mới đây, vụ việc một học sinh lớp 9 trường THCS Nam Phương Tiến A, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội bất ngờ bị tử vong sau khi tham gia giải chạy tại xã Phụng Châu gây xôn xao dư luận.
Được biết, vào ngày 30/8, H. tham gia phần thi chạy hơn 1.000m tại giải chạy tổ chức ở xã Phụng Châu. Sau khi hoàn thành xong phần thi thì H. bị đột quỵ.
Theo thông tin, Cháu H. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu, sau đó H., tiếp tục được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cứu chữa thì tử vong vào sáng 31/8.
Theo PGS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, xác suất đột tử trên đường chạy rất ít. Nguyên nhân có thể do ba yếu tố:
Thứ nhất, là nguyên nhân từ bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim). Vận động viên Võ Văn Thơm đột tử trên đường chạy ngày 13-1 mới 24 tuổi, xác suất bị nhồi máu cơ tim thấp nhưng không loại trừ nguyên nhân này.
Thứ hai, người chạy có thể bị bệnh lý tim hay mạch máu bẩm sinh mà bản thân họ cũng không biết. Nguyên nhân này thường gặp ở người trẻ tuổi tử vong.
Thứ ba, vận động viên có thể bị sốc nhiệt trên đường chạy dẫn đến nguy cơ có thể tử vong. Sốc nhiệt là bị rối loạn thân nhiệt do quá nóng, nếu cấp cứu kịp thời thì có thể sống được.
PGS Nam cho biết: Rất khó để kiểm tra y tế với các giải chạy vì có những giải tới hàng nghìn người tham gia. Tốt nhất, bạn nên tự theo dõi sức khỏe của mình, với những trường hợp có bệnh lý về tim mạch, hô hấp đã biết trước đó thì nên thận trọng và cần đi khám bác sĩ để bác sĩ tư vấn có cho chạy bộ hay không. Những ai trong tiền sử gia đình có người đột tử do tim thì cũng cần đi khám.
Theo BS Huỳnh Bá Tản, nguyên bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, trường hợp này tử vong do sốc trọng lực:
Nguyên nhân thường do khi ta vận động nhanh mạnh, phần lớn lưu lượng máu sẽ được tập trung dồn đến các khối cơ vận động, nhưng vẫn được bù trừ vì các động tác vận động làm cho các nhóm cơ phải luôn co duỗi tạo áp lực khiến máu tiếp tục lưu thông tuần hoàn dễ dàng
Khi cơ bắp dừng hoạt động đột ngột, tốc độ máu lưu thông ở trong mao mạch bị cản trở, thêm trọng lực của cơ thể dồn xuống hai chân làm một lượng lớn máu tích tụ ở tĩnh mạch các chi dưới nên lượng máu về tim ít, não và tim thiếu oxy đột ngột gây choáng váng, toàn thân bủn rủn, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, mặt tái xanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh. Tim đập chậm yếu, nhịp thở chậm, đồng tử mắt co lại, nặng hơn sẽ hôn mê và đột tử.
Nếu nạn nhân bị ngưng tim ngưng thở: tiến hành ngay CPR hồi sinh tim phổi ngay tại hiện trường, ấn tim ngoài lồng ngực và có thể xen kẽ với thổi ngạt (nếu có thể, nhưng không nhất thiết nếu ngại). Liên tục CPR cho đến khi nạn nhân có thể tự thở lại, sờ thấy mạch cảnh hoặc mạch quay, nạn nhân dần hồi tỉnh.
Nếu không thì vẫn cứ tiếp tục CPR cho đến khi đội Y tế Cấp cứu Ngoại viện 115 đến. Tuyệt đối không nên để lỡ mất cơ hội thời gian vàng vài phút đầu quý báu để sơ cứu CPR cho nạn nhân tại hiện trường
Nếu nạn nhân vẫn còn nhịp tim, nhịp mạch và tự thở được, hoặc sau khi CPR hồi sinh tích cực ngưng tim ngưng thở thành công, hãy cho nạn nhân nằm ngang tư thế an toàn hoặc nằm kê chân cao, xoa bóp nhẹ nhàng hai chi dưới để giúp máu trở về tim tốt hơn
Tuyệt đối không đỡ dựng nạn nhân đứng lên hoặc ngồi sau khi đã ngất.
Phòng ngừa: luôn khởi động trước khi vận động mạnh và không dừng đột ngột sau khi vận động nhanh.
Về khởi động, không chỉ riêng đối với chạy bộ mà bao gồm tất cả các bộ môn thể thao nói chung, việc khởi động trước khi luyện tập, thi đấu là vô cùng quan trọng.
Điều này sẽ giúp các bộ phận trên cơ thể bạn có sự vận động ban đầu, là cơ sở nền tảng cho những động tác, cường độ vận động trong quá trình tập luyện.
Khởi động cơ bắp không cẩn thận sẽ khiến bạn dễ bị căng cơ, gặp phải các chấn thương, chuột rút,…