Thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết toàn quốc có 130 trường hợp sĩ tử có 29,5 điểm trở lên nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1.
Theo đó, 130 sĩ tử tham dự kì thi THPT Quốc gia 2021 đạt mức điểm từ 29,5 trở lên – một mức điểm cao gần như tuyệt đối song vẫn không đỗ nguyện vọng 1 đại học, nguyên nhân được cho là do các ngành, trường các bạn chọn học đều có điểm chuẩn rất cao.
Trong số 130 sĩ tử này có 84 trường hợp đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào khối trường công an, trong đó riêng Học viện Chính trị Công an Nhân dân là 67 em.
Có 22 bạn là thí sinh của ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa).
Thống kê cũng cho thấy trong số 130 thí sinh có 69 trường hợp đỗ đại học ở các nguyện vọng sau, đáng chú ý có 61 bạn không đỗ nguyện vọng nào.
Bộ GD&ĐT cho biết 61 trường hợp điểm cao nhưng trượt ĐH là do các bạn chỉ chọn 1 nguyện vọng duy nhất, chỉ có 1 bạn chọn 2 nguyện vọng.
Trong 61 bạn này, có 59 bạn có nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội và đều chỉ có một nguyện vọng, trong đó 57 bạn tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước.
Theo điểm chuẩn được các trường công an công bố, mức điểm năm nay tăng mạnh thậm chí có trường lấy điểm gần 30. Riêng với ĐH Hồng Đức có ngành lấy 30,5 điểm. Ngoài ra, một lý do khiến các thí sinh điểm cao trượt đại học là chỉ tiêu của các trường ít dẫn đến tỉ lệ chọi cao.
Đại học Hồng Đức có hai ngành điểm chuẩn trên 29,5 điểm (Sư phạm Ngữ văn: 30,5 điểm và Sư phạm Lịch sử: 29,75 điểm), đều là ngành chất lượng cao, được tỉnh Thanh Hóa có chế độ ưu đãi đặc biệt, cấp từ học phí, sinh hoạt phí đến bố trí việc làm, chỉ tiêu mỗi ngành chỉ 15 bạn.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có hai ngành có điểm chuẩn trên 29,5 điểm là Hàn Quốc học (30 điểm khối C00 với 10/40 chỉ tiêu cho các khối thi xét theo điểm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông) và Đông Phương học (29,8 điểm khối C00 với 15/40 chỉ tiêu các khối thi xét theo điểm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông).