Theo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) của Tổng Cục Thống kê, Hà Nội có SCOLI bằng 100% và tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu khi là thành phố có mức giá đắt đỏ nhất trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đứng ở vị trí thứ 2 của bảng xếp hạng là TP.HCM với chỉ số SCOLI bằng 99,05%. Tuy nhiên, một số nhóm hàng của "Thành phố mang tên Bác" có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội như:
- Giáo dục bằng 105,43% (do học phí ở trường dân lập và dạy nghề cao hơn Hà Nội).
- May mặc, giày dép, mũ nón bằng 101,26%; điện, nước, nhà ở, chất đốt, vật liệu xây dựng bằng 102,03%.
Những nhóm hàng ở TP.HCM có mức giá thấp hơn Hà Nội là:
- Hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 98,21%.
- Thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 98,12%.
- Giải trí, văn hóa, du lịch bằng 97,63%.
- Thuốc và dịch vụ y tế bằng 97,43%.
- Thuốc lá và đồ uống bằng 97,33%.
- Giao thông bằng 97,31%.
- Bưu chính viễn thông bằng 96,23%.
- Hàng hóa và dịch vụ khác bằng 95,83%.
Hải Phòng đã vươn lên đứng thứ 3 cả nước, tăng 6 bậc về mức đắt đỏ so với năm 2018 và tăng 2 bậc so với năm 2019. Đa số các nhóm hàng của Hải Phòng đều thấp hơn Hà Nội trong khoảng 0,13% - 7,79%. Lý do là vì địa phương này tập trung nhiều ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đặc biệt là cảng trung chuyển hàng hóa chiến lược quan trọng.
Trong nhiều năm qua, Hải Phòng đã có bước phát triển vượt bậc trên các ngành kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao nên mức giá của một số nhóm hàng dịch vụ sẽ cao hơn so với địa phương khác.
Xếp vị trí thứ 4 là TP.Đà Nẵng với chỉ số SCOLI năm 2020 bằng 97,11%. Sở dĩ Thành phố này giảm 1 bậc so với năm 2019 là bởi sự tác động của COVID-19. Lào Cai cũng tăng hạng từ vị trí thứ 8 của năm 2019 lên thứ 5 của năm 2020.
So với năm 2019, vị trí các tỉnh, thành phố có mức giá đắt đỏ trong năm 2020 không có sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, các tỉnh thuộc Trung du và Miền núi phía Bắc có mức giá thấp hơn so với các năm trước do giao thông thuận lợi nên chi phí lưu trữ và vận chuyển hàng hóa giảm.
SCOLI là chỉ tiêu thống kê quốc gia, phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định. Chỉ số này phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá kết quả thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp tiền lương, trợ cấp khó khăn. SCOLI cũng là cơ sở để tính Chỉ sống phát triển con người và Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo sức mua tương đương. |