Đời Sống

Hàng quán cho khách hát karaoke quá to có thể bị phạt tới 160 triệu đồng

An Nhiên - 20/03/2021 09:48 GMT+7

Các cửa hành kinh doanh, quán bar, club... nếu cho khách hát karaoke quá to, gây vi phạm tiếng ồn sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đồng lên tới 160 triệu đồng.

Điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, đối với hành vi gây tiếng động lớn, gây ồn ào, huyên náo tại khu dân cư hoặc nơi công cộng trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau: phạt cảnh cáo từ 100.000 VNĐ - 300.000 VNĐ.

Bên cạnh đó, Điều 17 Nghị định 155/2017/NĐ-CP cũng quy định mức xử phạt dựa trên việc đo mức độ ồn như sau:

  • Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 02 dBA: phạt cảnh cáo.
  • Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 dBA đến dưới 05 dBA: phạt từ 1.000.000 VNĐ - 5.000.000 VNĐ.
  • Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 05 dBA đến dưới 10 dBA: phạt 5.000.000 VNĐ - 20.000.000 VNĐ.
  • Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 dBA đến dưới 15 dBA: phạt 20.000.000 VNĐ - 40.000.000 VNĐ.
  • Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 15 dbA đến dưới 20 dBA: phạt 40.000.000 VNĐ - dưới 60.000.000 VNĐ.
  • Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 20 dBA đến dưới 25 dBA: phạt 60.000.000 VNĐ - 80.000.000 VNĐ.
  • Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 25 dBA đến dưới 30 dBA: phạt 80.000.000 VNĐ - 100.000.000 VNĐ.
  • Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 30 dBA đến dưới 35 dBA: phạt 100.000.000 VNĐ - 120.000.000 VNĐ.
  • Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 35 dBA đến dưới 40 dBA: phạt 120.000.000 VNĐ - 140.000.000 VNĐ.
  • Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật trên 40 dBA: phạt từ 140.000.000 VNĐ - 160.000.000 VNĐ.
quy-dinh-tieng-on
Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại các khu vực đặc biệt và thông thường

Khu vực đặc biệt và khu vực thông thường được phân chia như sau:

  • Khu vực đặc biệt: trong hàng rào của cơ sở y tế, nhà trẻ, thư viện, nhà thờ, trường học, đình, chùa, khu vực có quy định đặc biệt.
  • Khu vực thông thường: nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khu chung cư, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính.

Hiện nay, nhiều cửa hàng kinh doanh, quán nhậu, quán cafe, club... thường mở thêm dịch vụ phục vụ khách hát karaoke và làm ảnh hưởng không nhỏ tới khu vực lân cận. Một số gia đình có điều kiện còn sắm cả dàn karaoke để hát giải trí khiến hàng xóm bị ảnh hưởng. Vì vậy, tình trạng này đã không còn là hành vi vô thưởng vô phạt.

Tình trạng karaoke tự phát gây ồn ào trong khu dân cư đang trở thành vấn đề nóng ở TP.HCM. Từ chiều 19/3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký văn bản khẩn gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, cùng các quận, huyện về biện pháp xử lý hành vi vi phạm tiếng ồn trên địa bàn.

TP.HCM sẽ chia đợt xử lý vi phạm tiếng ồn thành 2 thời điểm. Từ 25/3 đến 30/6, toàn địa bàn tập trung công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở. Bắt đầu từ 30/6 thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối tượng, tổ chức vi phạm. Những khu vực thường xuyên bị phản ánh được khoanh vùng, kiểm tra thường xuyên. Người đứng đầu mỗi địa phương cần chịu trách nhiệm nếu để địa điểm đã bị kiểm tra, xử lý tái phạm nhiều lần.

quy-dinh-tieng-on-1
TP.HCM đang tiến hành kiểm tra, tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm tiếng ồn tại khu dân cư và các khu vực đặc biệt.

Đối với Đà Nẵng, vào ngày 16/3, ông Lê Trung Chinh, chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tiếng ồn. Ông Chinh yêu cầu các đơn vị, địa phương xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, là tiêu chí xem xét thi đua, đánh giá hoàn thành nhiệm vụ để xử lý dứt điểm. 

Các đơn vị trực thuộc cần kiểm tra, tiếp nhận phản ánh của người dân về hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND phường, xã thông báo, tuyên truyền từ 1/4 - 31/5. Đến ngày 1/6, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định với những trường hợp vi phạm.

Bắt giữ 6 khách cùng 6 “tay vịn” hát karaoke chui giữa dịch Covid-19 tại Quảng Ninh