Hơn 50 năm trước khi còn là học sinh, bà Nguyễn Thị Hồng Sâm (73 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) được cử đi học ngành điện ô tô 4 năm. Sau khi tốt nghiệp, bà được phân công về Thái Bình và làm đội trưởng đội xe 10 người. Trong đội lúc này chỉ có hai cô gái chuyên bảo dưỡng sửa chữa xe ô tô thuộc xí nghiệp vận tải, xe khách Thái Bình.
Năm năm sau, bà Sâm được chuyển về Hà Nội. Hồi đó, bà chỉ nặng 45kg nhưng vẫn chui xuống gầm xe, hai chân chống lên để đỡ bộ phận khởi động động cơ nặng khoảng 30kg. Không lâu sau, bà được điều động làm việc khác nhưng do đã quen với động cơ và không chịu được cảnh chân tay nhàn hạ nên xin nghỉ hưu sớm. Sau đó, bà dựng tấm biểu "sửa chữa đồ điện vặt", ngày ngày hí hoáy sửa ô tô, xe máy, đồ điện gia dụng cho người dân quanh vùng.
Dù là ngày hay đêm nhưng nếu khách gặp sự cố và cần sửa xe gấp, bà Sâm cũng sẵn lòng giúp đỡ. Khách đưa chiếc xe nào tới, bà chỉ cần nghe tiếng máy nổi hoặc nhìn bằng mắt cũng có thể tìm ra vấn đề. Nhờ sự tận tâm, tận tình, nhiều người đã trở thành khách quen của bà được gần 30 năm. Cách đây 1 năm, khi chồng bà Sâm qua đời, khách từ các tỉnh nghe được tin đều tìm cách gửi vòng hoa để kính viếng.
Trong mấy chục năm qua, thời gian bà Sâm cầm cờ lê, người dính dầu mỡ còn nhiều hơn ăn vận, điểm phấn tô son. Vì vậy, người dân tại phố Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội đã quen với hình ảnh người phụ nữ đầu đeo đèn pin, nằm gầm ô tô, đôi tay vặn ốc thoăn thoắt chẳng thua các đấng mày râu.
Bà cho biết, tiệm sửa xe không chỉ là nơi để tìm niềm vui và còn là tâm huyết cả một đời của người phụ nữ hơn 73 tuổi. Tuy nhiên, cả 3 người con của bà Sâm đều không hứng thú với nghề sửa xe, vì vậy, bà Sâm hy vọng có thể tìm được người phù hợp để truyền dạy lại nghề cho đời sau.