Đời Sống

Vụ án “Thược dược đen”: Từ giấc mộng diễn viên dở dang tới xác chết bị cắt đôi ám ảnh Hollywood

Quỳnh Trang - 02/04/2021 21:50 GMT+7

"Thược dược đen" được xem là vụ án bí ẩn nhất trong lịch sử Hollywood. Hơn 70 năm trôi qua với vô số giả thuyết, gần 60 nghi phạm và nhiều lời thú tội kỳ lạ, vụ án vẫn chưa có lời giải đáp.

Ngày 15/1/1947, Betty Bersinger, một bà nội trợ tại Los Angeles (California, Hoa Kỳ), đang cùng con gái đi dạo trong khu Leimert Park thì trông thấy thứ gì đó màu trắng giữa đám cỏ dại. Lúc mới nhìn, Betty nghĩ rằng đó chỉ là một con ma-nơ-canh hỏng bị cửa hàng nào đó vứt đi.

Nhưng khi tiến lại gần quan sát, cô kinh hoàng nhận ra đó là thi thể của một người phụ nữ đã bị cắt làm đôi. Betty hét lên và vội vàng dẫn con gái chạy đến một ngôi nhà gần đó để báo cảnh sát.

Khi cảnh sát có mặt tại hiện trường vụ án, người phụ nữ đang trong tư thế nằm ngửa với hai cánh tay giơ lên trên vai và hai chân dang rộng. Kinh khủng hơn, nạn nhân bị cắt đôi người với nhiều vết trầy xước trên cơ thể, miệng cô bị rạch đến tận mang tai tạo thành một nụ cười Glasgow.

Black Dahlia
Hiện trường vụ án

Sau khi quan sát, cảnh sát nhận định hung thủ đã sát hại nạn nhân ở chỗ khác rồi vứt xác ở đây vì không có vết máu trên cơ thể và xung quanh bãi đất nơi thi thể bị bỏ lại.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân chết vì ngạt thở và xuất huyết, hộp sọ bị đập và bao tử chứa đầy rác do bị cưỡng ép nuốt vào trước khi chết.

Kỳ lạ hơn, trên thi thể của cô gái xấu số có dòng chữ được viết bằng son môi đỏ với nội dung: “BD AVENGER” (Người trả thù Black Dahlia - Thược dược đen).

Để xác định danh tính nạn nhân, một biên tập viên của tờ Los Angeles Examiner đề nghị gửi dấu vân tay qua "Soundphoto" (một máy fax đời đầu) đến văn phòng FBI tại Washington DC. Tối ngày 16/1, các nhà chức trách xác thực nạn nhân là Elizabeth Short, 22 tuổi, trước đây làm việc tại một căn cứ quân đội ở California và từng bị bắt vì uống rượu khi chưa đủ tuổi.

Black Dahlia 1
Nạn nhân Elizabeth Short

Elizabeth Short đến Hollywood để theo đuổi ước mơ trở thành diễn viên nhưng sau đó lại chìm đắm trong những ngày tháng ăn chơi, tiệc tùng tại bar. Giữa đám đông tạp nham, cô nàng tìm được người đàn ông lý tưởng – Matt Gordon, một sĩ quan không quân và cả hai đã ước hẹn sẽ kết hôn.

Thật không may, Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra đã chia cắt cô và người yêu mãi mãi. Đau khổ tột cùng, Elizabeth lao đầu vào các cuộc tình một đêm với những người đàn ông giàu có.

Theo điều tra từ phía cảnh sát, người cuối cùng nhìn thấy Elizabeth Short còn sống là Robert Manley, một nhân viên kinh doanh 25 tuổi đã có gia đình đồng thời cũng chính là “tình một đêm” của nữ diễn viên trẻ.

Ngày 9/1/1947, Robert lái xe đưa Elizabeth tới khách sạn Biltmore tại Los Angeles. Đó là lần cuối cùng Manley nhìn thấy Elizabeth khi còn sống.

Black Dahlia 2

Bởi vậy, Robert bị coi là nghi phạm số một nhưng do có chứng cứ ngoại phạm nên dễ dàng thoát khỏi diện tình nghi của cảnh sát. Trong lúc hợp tác điều tra, người đàn ông này cũng xác nhận chiếc ví da và đôi giày được tìm thấy gần hiện trường vụ án chính là của Elizabeth.

Tuy nhiên, những manh mối mà cảnh sát tìm thấy không hề đem lại kết quả khả quan, vụ án dường như lâm vào bế tắc.

Ngày 3/2/1947, công cuộc phá án có một bước ngoặt mới khi một gói hàng nặc danh được gửi đến tờ Los Angeles Examiner. Bên trong bưu kiện là tư tang và giấy tờ tùy thân của Elizabeth bao gồm: giấy khai sinh, thẻ an sinh xã hội, cáo phó của Matt Gordon cùng với quyển sổ địa chỉ chứa tên của 75 người đàn ông.

Cảnh sát cho rằng người gửi bưu kiện này nhiều khả năng chính là hung thủ và hắn là kẻ rất khôn khéo khi không để lại bất kỳ dấu vân tay nào.

Black Dahlia 3
Bưu kiện nặc danh chứa tư trang và giấy tờ tùy thân của Elizabeth

Điều đáng nói là khi cảnh sát điều tra 75 cái tên ghi trong cuốn sổ thì đều nhận được những lời khai rằng họ chỉ quen biết sơ qua với nạn nhân, thường đi uống cà phê hoặc ăn tối chứ chưa bao giờ tiến xa hơn.

Trong suốt một thời gian dài điều tra về cái chết của Elizabeth, có khoảng 60 người thú nhận tội giết người và phần lớn là đàn ông. Trong số đó, 25 người bị văn phòng luật quận Los Angeles coi là nghi phạm khả thi. Tuy nhiên, cảnh sát không đủ bằng chứng để khẳng định bất cứ ai trong số họ là hung thủ.

Mặc dù vậy, trong suốt gần một thế kỷ qua, hàng loạt giả thiết về cái chết của Elizabeth Short được đưa ra ở các bài báo và sách. Nổi bật trong số đó là cuốn sách “Sự thật về vụ án mạng thược dược đen” (tựa gốc: “Severed: The True Story of the Black Dahlia Murder”) của John Gilmore.

Black Dahlia 4
Tác giả John Gilmore trong cuốn sách "The Truth Story of The Black Dahlia" khẳng định hung thủ là Jack Wilson.

Trong cuốn sách, tác giả nhận định rằng thủ phạm là Jack Wilson, một kẻ nghiện rượu và bị bệnh thích bạo dâm. Gilmore có một cuộc phỏng vấn với Wilson vào đầu những năm 1980 và được cung cấp những chi tiết mà chỉ có kẻ sát nhân mới có thể biết, đó là thông tin nạn nhân bị khiếm khuyết phần kín.

Tuy nhiên, Wilson đã chết trong một vụ cháy khách sạn chỉ vài ngày trước khi lệnh bắt được đưa ra. Cái chết của Wilson khiến mọi hy vọng khám phá ra bí ẩn cái chết của "Thược dược đen" trở nên dang dở.

Đến nay, 74 năm đã trôi qua nhưng những gì xảy ra với Elizabeth sau khi cô đến khách sạn Biltmore vào ngày 9/1/1947 vẫn còn là ẩn số.

Đồ tể ánh trăng Texarkana: Bóng ma sát nhân chuyên săn lùng các cặp tình nhân vẫn là ẩn số sau 75 năm