Tối ngày 18/4/1943, cậu bé Bob Farmer cùng ba người bạn Robert Hart, Thomas Willetts và Fred Payne lén lút xâm nhập vào rừng Hagley (Worcestershire, Anh) để săn trộm thú thì bắt gặp một cây du lớn.
Nghĩ rằng có thể có tổ chim ở trên cây, Farmer trèo lên để thăm dò. Trong khi đang leo, cậu bất thần nhìn vào một hốc cây rỗng và phát hiện ra một chiếc đầu lâu.
Ban đầu, cậu cứ đinh ninh rằng đó là đầu lâu của một con vật, nhưng khi nhìn thấy đám tóc và những chiếc răng, Farmer hốt hoảng nhận ra thứ mình vừa tìm thấy là hộp sọ người.
Vì sợ vướng vào rắc rối, cả nhóm thống nhất không kể với ai về chuyện này. Tuy nhiên, vì quá hãi hùng với những gì mình đã chứng kiến nên Willetts đã kể lại toàn bộ sự việc cho bố mẹ ngay sau khi về nhà. Họ báo cảnh sát ngay sau đó.
Khi khám nghiệm bên trong thân cây, cảnh sát tìm thấy bộ xương gần như hoàn chỉnh của một người phụ nữ, duy chỉ bị thiếu mất một bàn tay. Sau đó, bàn tay phải này được phát hiện ở khu vực xung quanh gốc cây cùng với một vài mảnh xương vụn khác.
Một chiếc nhẫn giả vàng rẻ tiền và đôi giày đế kếp cũng được tìm thấy cách đó một quãng đường ngắn. Những mảnh quần áo kém chất lượng mắc trên xương, và một mảnh vải mỏng được nhét bên trong miệng cái xác chứng tỏ nạn nhân chết do ngạt thở.
Giám định y khoa - giáo sư James Webster - kết luận rằng người phụ nữ khoảng 35 tuổi, có răng khểnh ở hàm trên, mái tóc màu nâu nhạt và chỉ cao 1,52 m. Ông cũng xác định rằng người phụ nữ đã từng sinh con một lần và thời gian tử vong ước tính là khoảng 18 tháng trước.
Giáo sư Webster cho rằng cái chết của người phụ nữ không rõ danh tính này là một vụ giết người. Ông cũng kết luận người phụ nữ được đặt vào bên trong thân cây rỗng trước khi tình trạng co cứng tử thi (sự căng cứng của các cơ sau khi chết) xảy ra, nếu không thì cơ thể đã quá cứng để có thể nằm gọn trong thân cây hẹp.
Giáo sư Webster cũng khẳng định rằng nạn nhân rất có thể đã bị giết gần nơi cô được tìm thấy, nếu không thì kẻ giết người sẽ không thể vận chuyển thi thể của cô lên cây trước khi sự căng cứng diễn ra.
Sau khi phát hiện vụ việc, cảnh sát Worcestershire liên hệ với mọi nha sĩ trong khu vực với hy vọng một trong số họ sẽ nhận ra chiếc răng khểnh đặc biệt của người phụ nữ. Họ cũng rà soát rất nhiều báo cáo về người mất tích để xem có ai trong số họ trùng khớp với mô tả về người đã khuất hay không. Tuy nhiên, cả hai hướng điều tra đều không cho ra kết quả khả quan nào.
Sáu tháng sau, những hình vẽ graffiti bí ẩn bắt đầu xuất hiện trong khu vực. Dòng chữ đầu tiên được viết bằng phấn bên hông một ngôi nhà ở Old Hill gần đó với nội dung: “Ai đã đặt Bella vào trong cây du núi?” Đây là lần đầu tiên người phụ nữ đã khuất được nhắc đến với một cái tên.
Trong vài tháng sau đó, những dòng chữ tương tự tiếp tục xuất hiện, tất cả đều được viết bởi cùng một người. Dần dần, chúng đều là câu hỏi: "Ai đã đặt Bella vào trong cây du núi?" Những dòng chữ được viết khắp nơi vừa giống như manh mối về vụ việc, vừa giống như lời chế nhạo với cảnh sát.
Những hình vẽ graffiti dường như ngụ ý rằng người viết ra những dòng chữ này biết ai đã giết “Bella”, nhưng cảnh sát cũng không thể tìm ra người này.
Vụ việc đã trở thành một chấn động gây nhức nhối toàn nước Anh. Vài năm sau đó, một số giả thuyết về danh tính của nạn nhân liên tục được đưa ra.
Một giả thuyết cho rằng nạn nhân là một người làm nghề mại dâm, đã được báo cáo là mất tích vào năm 1944. Trong báo cáo, tên cô gái điếm mất tích là Bella, làm việc trên đường Hagley. Tuy nhiên, không hề có chứng cứ xác thực độ chân thật của giả thuyết này.
Giả thuyết thứ hai bắt nguồn từ Una Mossop, cô khai rằng chồng cũ của mình - Jack Mossop - đã thú nhận với các thành viên trong gia đình rằng anh ta cùng một người Hà Lan tên Van Ralt đặt một người phụ nữ vào trong cây du núi nọ; hai người đã làm thế khi đang say rượu.
Câu chuyện nhanh chóng bị bác bỏ khi cảnh sát phát hiện Jack Mossop là một bệnh nhân tâm thần và đã chết trước thời điểm Una khai báo được vài năm.
Một giả thuyết khác cho rằng "Bella" có thể là nạn nhân của một nghi lễ hắc ám. Theo giáo sư nhân chủng học Margaret Murray, việc bàn tay của “Bella” bị chặt đứt và xương rải rác có nét tương đồng với một nghi thức hiến tế được gọi là “Bàn tay vinh quang”.
Câu chuyện “Ai đặt Bella vào trong cây du núi” đã trở thành truyền thuyết địa phương và vẫn được kể cho đến ngày nay. Cùng với đó, vô số tranh, ảnh, sách truyện hay thậm chí là các tác phẩm âm nhạc cũng được lấy cảm hứng từ vụ án huyền thoại này.
Tuy đã hơn 75 năm trôi qua nhưng danh tính của cô gái xấu số cùng chủ nhân của những bức vẽ graffiti vẫn còn là một ẩn số.