Đời Sống

Thanh niên cầm rựa kề cổ “đòi” xử hành xóm vì mâu thuẫn tiền bạc

Hương Ly - 01/12/2022 06:46 GMT+7

Mặc dù hàng xóm đã van xin, nhưng Nam vẫn tiếp tục cầm rựa dọa chém vì tiền đền bù.

Thông tin trên tờ Người Lao Động, ngày 30/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng có hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Đối tượng bị khởi tố là Nguyễn Văn Nam (SN 1995; ngụ xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch).

nguyen-van-nam
Đối tượng Nguyễn Văn Nam tại cơ quan công an. Ảnh: CA

Theo hồ sơ vụ án, tối 24/11, đối tượng Nam đã chở Nguyễn Xuân Bảo (sinh năm 1995) đến nhà ông Nguyễn Văn Hướng để giải quyết mâu thuẫn trong việc chia tiền đền bù dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua thôn Hà Môn, xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) giữa gia đình Nam với gia đình ông Hướng.

Tại đây, Nam đã dùng cây rựa đeo theo từ nhà, kề vào cổ ông Hướng khống chế, bắt ông về nhà đối tượng này để giải quyết. Khi đến nhà, Nam ngồi đối diện, chửi bới và quát nạt ông Hướng về vấn đề chia tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

Sau đó, Nam dùng tay đấm vào vùng mặt, gáy của ông Hướng, rồi nhấn đầu ông Hướng xuống và dùng đầu gối thúc vào ngực ông.

Mặc dù nạn nhân đã van xin nhưng Nam vẫn dùng cây rựa dọa chém ông Hướng. Sự việc chỉ dừng lại cho đến khi hàng xóm chạy đến căn ngan.

Ông Hướng sau đó được người nhà đưa đi điều trị vết thương tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới.

Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng hoàn tất các thủ tục để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015.

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.