Đời Sống

Năm 18 tuổi, ước mơ lớn nhất của tôi là đậu đại học!

Nguyễn Thị Phương Dung - 07/07/2021 08:37 GMT+7

Ước mơ tuổi 18 của tôi chỉ là đậu đại học. Tôi cũng không cho rằng cuộc sống này cần biết được đích đến ngay từ khi mới bắt đầu. Tôi sẽ trở thành ai, làm công việc gì? Đó là chuyện của mai này.

Hai năm trước, kí ức hiện hình ảnh của một cô bé, bắt đầu ước mơ như những đứa trẻ đầy mơ ước. Nó ước được học một trường tầm trung ở miền Nam. Sức học của nó thì thừa khả năng đỗ vào ngôi trường ấy. Vì nghĩ như vậy, nên nó đủng đỉnh và nhởn nhơ lắm.

thi THPT quoc gia 2021
Ảnh: NHƯ HÙNG

Ấy thế mà lúc ghi nguyện vọng, nó quay ngoắt sang đăng kí một trường top đầu ở miền Bắc. Và lúc đó, nó và kì thi chỉ cách nhau 2 tháng nữa thôi. Hai tháng cuối trước lúc thi, đầu con bé cứ mòng mòng nào là Anh, Văn, Sử, Địa, GDCD. Vì nó chọn khối thi mới, nên làm sao để cả 5 môn đó cao đều điểm nhau thì mới có cơ hội đậu. Lúc đấy, nó mới bắt đầu học lại.

Trường cấp ba của nó tổ chức thi thử 4 lần, mà điểm nó chỉ nhàng nhàng mỗi môn 5-7 điểm. Nó vẫn không nản, vẫn học ngày học đêm. Nghĩ cũng tội, mà cũng kệ. Ai bảo không xác định rõ ràng mục tiêu từ đầu đi. Rồi kì thi định mệnh quyết định cuộc đời nó cũng đến. Thi xong về nhà trên mạng sẽ có đáp án luôn. Đối chiếu thì nó thấy điểm nó cũng ổn. “Chậc! Nhưng mà sao ổn như thế được, biết đâu mình chưa ghi mã đề hoặc là chưa ghi số báo danh thì sao nhỉ?” Sao tự dưng cuộc đời lại dễ dàng với nó như vậy được? Nó cứ sống trong sự thấp thỏm, nghi ngờ giăng lấy cảm giác.

Ảnh: NHƯ HÙNG

Cho đến ngày, nó biết điểm thi. Bạn biết đó. Nó đỗ thật rồi. Nó còn thừa điểm nữa là đằng khác. Nó vui lắm. Không ngờ rằng kết quả nó học gấp rút trong 2 tháng mà cũng tốt như vậy. Nó mường tượng đến ngày được đặt chân đến thành phố lớn, được thoát khỏi sự thúc quản của bố mẹ, được tự do thực hiện ước mơ của mình. Thậm chí nó vẽ luôn ra viễn cảnh một tương lai tươi đẹp đang chờ nó ở 5 năm sau, 10 năm sau…

Một tuần trước ngày nhập học, nó bị đau dạ dày dữ dội. Nó phải truyền nước ở trạm xá đến gầy rộc cả người đi. À mà nó vẫn gầy, nhưng ốm xong thì gầy hơn. Bóng nó xiêu vẹo, chả ra dáng tân sinh viên tí nào. Mẹ nó ngày nào cũng ngồi trông nó truyền nước, về nhà thì nấu cháo cho nó ăn…Một ngày trước khi nhập trường đại học, mẹ đưa nó đi mua mấy bộ quần áo mới cùng mấy đồ dùng cần thiết cho cuộc sống sinh viên. Chà chà, làm người lớn cũng cần chuẩn bị nhiều đồ đạc quá nhỉ?

Ngày nhập học cũng đến. Bố nghỉ một ngày làm để đưa nó lên Hà Nội. Xe đi trong đêm để sáng đến kịp giờ. Làm xong thủ tục nhập học, nhập kí túc xá cũng là lúc bố nó phải về nhà thôi. Bố mở ví đưa cho nó những đồng tiền gom góp bằng sức lao động vất vả ở quê, không quên dặn dò là phải cẩn thận. Lúc đấy nó bị nhạy cảm hay sao đấy, chẳng kìm nén nước mắt trước mặt bố nữa. Nó khóc òa lên như một đứa trẻ con. Rồi đột nhiên, nó nhận ra người đàn ông vĩ đại nhất cuộc đời nó cũng có khoảnh khắc hoàng hôn. Tóc của người ngả sang màu hoa râm, lặng thầm kề cạnh những vết nhăn dần hiện rõ trên mí mắt…

bo cho con gai di thi dai hoc
Ảnh: Anh Nhàn

Con bé đó bây giờ đã 20 tuổi. Và nó chính là tôi, cùng mảnh đời mà tôi kể cùng bạn. Sinh ra và lớn lên ở làng, học đại học là cách duy nhất để có được tấm vé bước chân tới một thế giới lớn hơn, tươi đẹp hơn. Tôi đã được giáo dục như vậy trong suốt những năm học phổ thông. Tôi muốn học đại học để có thể thoát khỏi cảnh ruộng đồng vất vả, được mở rộng tầm mắt và khiến cho bố mẹ tự hào về mình.

Nhưng khi nói về thành công, mọi sự còn là quá sớm đối với một sinh viên năm 2 như tôi. Nhưng đúng thật, đại học đã cho tôi kiến thức, cơ hội để tiếp xúc với những con người tuyệt vời. Đó là thầy trưởng khoa vô cùng gần gũi và quan tâm sinh viên. Đó là những người bạn mới, những mối quan hệ tuyệt vời tôi có được từ những công việc làm thêm…

Bạn thân mến. Chậm trong tâm tư cùng tôi nhé. Ngày mai, chúng ta và mọi người sớm muộn cũng chứng kiến điều gì đó khác nay và khác hôm qua. Tôi bâng khuâng tự hỏi: Hà Nội này sao mà rực rỡ và hoa lệ quá. Nhưng hình như, tôi đang khác. Cảm giác ồn ào vội vã hằng ngày, những áp lực của tuổi mới lớn đôi khi khiến tôi như bị khựng lại. Bế tắc. Tuyệt vọng. Nhiều lần đợi xe bus lúc tối muộn, ngắm nhìn những ánh điện tỏa ra từ những tòa nhà cao tầng, tôi lại nghĩ liệu mình và cô bé Liên trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam có giống nhau không?

Ảnh: Internet

Bởi vì, tôi và cả hai đều đang chờ một thứ ánh sáng. Trong một chút thở nhẹ bất chợt lên tấm kính, tôi vun vén mong mỏi về một tương lai tốt đẹp hơn. “Thành công” và “Thất bại”. Đó là hai danh từ tôi vẫn hay dùng khi viết văn ở phổ thông. Nhưng đến bây giờ, khi học đại học và va vấp một chút với cuộc sống bên ngoài thì tôi đã phần nào ngấm được.

Cuộc sống trong mắt tôi bây giờ không toàn là màu hồng như cô bé 18 tuổi năm đó. Nhưng, tôi vẫn đang đi trên con đường mà cô bé 18 tuổi ấy đặt điểm xuất phát. Và tôi tin rằng, dù sau này tôi có trở thành con người mà năm 18 tuổi mình ao ước hay không, thì quyết định học đại học vẫn không bao giờ là sai lầm.

“Thước đo của thành công không phải tiền tài, địa vị hay danh vọng mà là khi bạn trở thành con người mình từng mơ ước năm 18 tuổi”, câu nói này trong MV “Ta còn đây” của Justa Tee ft Ryhmastic đúng, nhưng cũng chưa chắc đúng với tất cả mọi người, ít nhất là với tôi.

Ước mơ tuổi 18 của tôi chỉ là đậu đại học. Tôi cũng không cho rằng cuộc sống này cần biết được đích đến ngay từ khi mới bắt đầu. Tôi sẽ trở thành ai, làm công việc gì? Đó là chuyện của mai này. Còn hiện tại, tôi vẫn là cô sinh viên năm 2, yêu trường, yêu khoa và đang trên con đường tìm kiếm giá trị cốt lõi của mình.

Cảm ơn cô bé năm 18 tuổi đã cố gắng thật nhiều, để tôi có cơ hội được bước chân vào đại học. Phía trước nó, là một thế giới tri thức mở ra những điều lớn lao hơn. Cho tôi Cho bạn Cho những ai qua dấu yêu, vất vả tuổi 18!

Một giám thị coi thi THPT ở Hà Nội là F1, đã tiếp xúc 87 người tại Hội đồng thi

Tin phổ biến