Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao, như: Hà Đông (128 ca), Thường Tín (123 ca), Thanh Oai (103 ca), Phú Xuyên (98 ca), Hoàng Mai (90 ca).
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 16 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 550/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp vi rút Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần cũng ghi nhận thêm 31 ổ dịch mới tại 14 quận, huyện. Đơn vị ghi nhận nhiều ổ dịch nhất trong tuần là quận Hai Bà Trưng với 7 ổ dịch, tiếp đến là quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì mỗi nơi có 4 ổ dịch; các quận, huyện: Thanh Oai, Đống Đa, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, và Hoài Đức mỗi nơi có 2 ổ dịch; còn lại 6 quận, huyện: Đan Phượng, Thanh Xuân, Đông Anh, Mê Linh, Long Biên, Quốc Oai mỗi địa bàn có 1 ổ dịch.
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.043 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện còn 127 ổ dịch đang hoạt động tại 21 quận, huyện.
Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ sẽ có thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành Y tế thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Một số thực phẩm nên tránh khi bị sốt xuất huyết
Theo ThS.BS. Lê Thị Thu Huyền (Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng), trong thời gian mắc sốt xuất huyết, người bệnh cũng cần tránh một số loại thực phẩm vì chúng có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi của cơ thể.
Người bệnh sốt xuất huyết nên tránh các loại thức ăn có nhiều dầu mỡ, đặc biệt là các chất béo bão hòa như mỡ động vật (trừ mỡ cá), dầu dừa, dầu cọ, chất béo chuyển hóa có trong các loại thực phẩm chế biến sẵn, kem béo thực vật, bơ thực vật…
Đây là những loại thức ăn làm tăng thêm gánh nặng cho cả hệ tiêu hóa, trong khi người bệnh đang cần được nghỉ ngơi, hạn chế tiêu hao năng lượng, đồng thời những thực phẩm này tạo ra nhiều các gốc tự do, gây stress oxy hóa, làm tăng thêm tình trạng viêm hệ thống và các thành phần của hệ miễn dịch phải mất nhiều thời gian hơn để hồi phục.
Khi đang bị sốt xuất huyết, người bệnh mặc dù cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nhưng không nên ăn nhiều các loại thịt đỏ, vì thịt đỏ ngoài khả năng gây viêm cao còn chứa nhiều sắt, đây cũng là nguồn nguyên liệu cần thiết cho virus sinh sôi và phát triển nhanh hơn.
Kể cả các loại thịt trắng cũng nên ăn với số lượng vừa đủ, vì lượng đạm quá cao sẽ làm thận quá tải trong giai đoạn này. Sau khi lành bệnh hoàn toàn thì có thể dùng lại thịt đỏ với liều lượng nhỏ và tăng dần để hồi phục sức khỏe.
Các loại thức ăn, gia vị cay như tiêu ớt có khả năng kích ứng dạ dày cao, có thể dẫn tới xuất huyết dạ dày nếu người bệnh có sẵn nền dạ dày viêm, yếu, như vậy làm tình trạng mất máu trầm trọng hơn, dễ dẫn đến sốc sốt xuất huyết./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn