Vì vậy, không ít người lo lắng rằng việc dương tính kéo dài sẽ gây hệ lụy sức khỏe và trong quá trình điều trị, nên làm gì để nhanh âm tính trở lại.
Dương tính "hoài không dứt", F0 lo lắng
Chia sẻ với chúng tôi, anh L.P. (30 tuổi, ngụ quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình anh có 4 người là F0, bao gồm 2 vợ chồng và bố mẹ. Trong thời gian tự chăm sóc sức khỏe tại nhà, mọi người đều ăn uống chế độ và dùng thuốc như nhau. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà vợ cùng bố mẹ anh chỉ 5 ngày khỏi bệnh, còn anh thì đến ngày thứ 10 test vẫn dương tính.
"Tôi nghe nói tuần đầu tiên nhiễm Covid-19 là giai đoạn tốt nhất để chữa bệnh, bởi khi đó virus ở mũi, họng. Sau 1 tuần nó sẽ xuống phổi, khiến tình trạng nguy hiểm hơn. Cả gia đình tôi đều khá cẩn thận trong việc điều trị, kết hợp cả xông lá. Vợ tôi 3 ngày khỏi, bố mẹ tôi mất 5 ngày. Còn tôi tới hôm thứ 10 vẫn '2 vạch' đỏ chót. Ngày thứ 13 kết quả tương tự nhưng mờ hơn. Cuối cùng đến ngày thứ 15 tôi mới âm tính. Bị lâu cũng sợ di chứng sau này sẽ nặng hơn".
Tương tự chị L.A. (28 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bị Covid-19 trong 20 ngày. Chị bày tỏ: "Giờ tôi đang bị hậu Covid-19, mất ngủ, hụt hơi, mệt mỏi nhiều. Không biết có phải do mình F0 kéo dài nên sức khỏe suy giảm không nữa."
>> Xem thêm: Bị COVID-19 nên ăn gì để tốt cho phổi?
Nhiễm Covid-19 quá lâu có phải điều đáng lo ngại không?
Liên quan đến vấn đề trên TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - phó chủ nhiệm khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng quốc gia chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ, trong số F0 bác sĩ tư vấn, có khoảng 20% bệnh nhân rơi vào tình trạng nhiễm Covid-19 đến 3 tuần. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuấn, thời gian không phải là yếu tố quá đáng lo ngại, thay vào đó chúng ta nên quan tâm đến nồng độ virus trong cơ thể. Theo đó, mức độ nguy hiểm sẽ tỉ lệ thuận với nồng độ virus.
Trong khi đó, bác sĩ Lê Xuân Thắng - nguyên là bác sĩ khoa nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 103 nói thêm, thời gian Bộ Y tế quy định cách ly với F0 là 14 ngày, đây là khoảng thời gian trung bình để F0 khỏi bệnh, tuy nhiên trên thực tế việc bình phục nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào sức đề kháng, sự đào thải virus của từng người khác nhau.
Từng điều trị cho một ca 15 ngày vẫn dương tính, có triệu chứng mất vị giác, chán ăn, bác sĩ Thắng cho biết trên báo Tuổi Trẻ: "Đối với trường hợp này, bệnh nhân không bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, khiến cơ thể không đủ năng lượng để chống chọi, khiến tình trạng mắc bệnh kéo dài. Tôi tư vấn bệnh nhân cần cố gắng bổ sung dinh dưỡng. Dù cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi, không vận động, nhưng vẫn cần năng lượng để nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Bởi vậy nếu không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể thì rất khó để cơ thể khỏe lại được. Việc bổ sung dinh dưỡng trong quá trình điều trị Covid-19 là rất quan trọng."
F0 kéo dài có dễ lây bệnh cho người khác không?
Giải thích về trường hợp F0 "2 vạch mãi không dứt", Bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn Khối Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. HCM) cho biết trên báo Người Lao Động, trong số này có nhiều người thực chất chỉ còn virus không còn khả năng hoạt động trong cơ thể. "Chúng ta không thể phân biệt được trừ khi được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Virus không còn sống thì không lây được nhưng CT dưới 33 thì vẫn có thể lây. Tình trạng dương kéo dài là do cơ địa và chỉ có thể chờ chứ không có cách nào để giúp bạn mau âm tính được cả", ông Khanh nói.
Trước đó, tờ New York Times từng dẫn lời khuyến cáo của TS. Stephen Kissler, Khoa Miễn dịch học và Bệnh truyền nhiễm, Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ). Ông cho rằng bệnh nhân hoàn toàn có thể dương tính trong nhiều tuần, thậm chí là vài tháng. Và khi còn dương tính tức là còn khả năng lây bệnh cho người khác, tuy nhiên mức độ lây phụ thuộc vào giai đoạn mắc bệnh.
"Covid-19 dễ lây lan nhất trong những khoảng thời gian đầu tiên khi bệnh nhân mới bắt đầu bị nhiễm virus. Khi đã nhiễm bệnh từ 8 – 10 ngày bạn vẫn có cơ hội lây bệnh cho người khác, nhưng có lẽ không nhiều như trong giai đoạn đầu của quá trình lây nhiễm", TS. Kissler giải thích.
Về việc làm thế nào để sớm bình phục, bác sĩ Thắng lưu ý, Covid-19 kéo dài dĩ nhiên sẽ khiến hệ miễn dịch bị ảnh hưởng, giảm sức đề kháng, từ đó tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bội phát. Do đó, dù là F0 nhẹ hay không triệu chứng đều không thể chủ quan. Vị chuyên gia khuyên người bệnh nên bổ sung hoa quả, chất dinh dưỡng, vận động nhẹ nhàng để tăng sức đề kháng. Ngoài ra cần giữ tinh thần thoải mái, lạc quan. "Cơ thể khỏe mạnh mới có thể nhanh chóng hồi phục."
Đặc biệt dù đã khỏi bệnh nhưng mọi người cũng đừng quên đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vaccine,...). Trong trường hợp các biểu hiện của bệnh khiến bạn ngày một mệt mỏi, tốt nhất nên liên hệ với cơ sở y tế để được chăm sóc kịp thời.