Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày ông Công ông Táo, câu chuyện thả cá chép vàng xuống sông lại thu hút sự quan tâm lớn của người dân. Theo ghi nhận của Dân trí, ngay từ ngày 3/2 (tức 22/12 âm lịch) rất nhiều người dân Hà Nội đã tranh thủ đi thả cá phóng sinh sớm.
Nếu câu chuyện ý thức của người thả cá, tiện tay thả cả bao nilon xuống sông, hồ vẫn chưa hết nhức nhối thì năm nay dân tình lại đau đầu trước sự xuất hiện của các “vợt thủ”. Cụ thể, ngay khi người dân thả cá chép vàng xuống nước, một số bộ phận đã đứng chờ sẵn ở trên, tay cầm vợt, cần câu để vớt lên.
Nhiều trường hợp còn dùng loại móc câu nhiều ngạnh quẳng xuống hồ khiến cá vàng bị mắc vào đầy đau đớn và không thể bơi ra xa. "Thấy họ vợt cá của những người thả trước nên tôi bảo sao các anh lại vợt cá như vậy thì họ chối, tôi cũng không biết làm thế nào, thả cá của mình xuống nước tôi phải trông một lúc để cho chúng bơi ra xa rồi mới dám về"- một người dân đi thả cá chia sẻ với PV Dân Trí.
Để tránh tình trạng cá vàng chưa kịp “chầu trời” đã sa vào lưới của các vợt thủ, tại khu vực chung cư phường Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), thay vì phải ra tận bờ sông, người dân sẽ tiễn ông Công ông Táo về trời bằng “cầu trượt”.
Theo đó, các ống trượt được thiết kế dài khoảng 5m dẫn thẳng xuống hồ nước. Người dân chỉ cần thả cá từ miệng ống phía trên, cá sẽ theo đường ống trôi trực tiếp xuống.
Trao đổi với Dân trí, bảo vệ khu chung cư khu vực này cho hay, mục đích lắp ra chiếc “cầu trượt” thả cá này là để đảm bảo an toàn cho người dân, tránh xảy ra tình trạng đuối nước. Bên cạnh đó, mọi người cũng không cần đi xa để thả cá, thậm chí còn ngăn được tình trạng cá vàng bị các vợt thủ bắt lại.
Đại học FPT chính thức dỡ phong tỏa, sinh viên “mừng rơi nước mắt” được về quê đón Tết