Đời Sống

2,5 triệu người ở Hà Nội sẽ được cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip

Hạnh Quyên - 08/12/2020 17:15 GMT+7

Theo dự kiến, tại Hà Nội người dân làm thẻ căn cước công dân gắn chíp có thể thực hiện tại phường, hoặc được cấp tại nhà nếu thuộc diện người già, bệnh tật... thay vì chỉ cấp căn cước công dân tại trụ sở công an cấp quận như lâu nay.

Công an TP Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đang lập danh sách số người 14 tuổi trở lên (cả thường trú và tạm trú) đủ điều kiện cấp căn cước công dân gắn chíp theo từng tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp, trường học...

01607421074.jpeg

Các phường dự kiến sẽ cấp thẻ CCCD gắn chip cho người dân có nhu cầu phục vụ liên tiếp các ngày trong tuần, thời gian tiếp nhận hồ sơ tăng lên 10 giờ thay vì chỉ 8 giờ hành chính. 

Ngoài ra, Công an TP Hà Nội cũng sẽ cấp thẻ căn cước tại nhà cho người già, gia đình chính sách, người ốm đau, bệnh tật...

Trường hợp cấp thẻ căn cước tại chỗ ở, công an xã, phường và chính quyền địa phương sẽ tổng hợp, rà soát và lên danh sách đề xuất với công an cấp quận. Đội Quản lý hành chính công an các quận, huyện sẽ mang thiết bị đến nhà để hỗ trợ người dân.

Dự kiến từ 1/1/2021 việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc, theo dự kiến, đến tháng 7/2021, Bộ Công an sẽ cấp đủ 50 triệu thẻ căn cước cho tất cả công dân trong độ tuổi quy định.

11607421074.png

Thẻ căn cước gắn chip dự kiến có 20 trường thông tin do ngành công an quản lý (họ tên, năm sinh, quê quán...), ngoài ra sẽ tích hợp dữ liệu của ngành thuế, hải quan, bảo hiểm, bằng lái.

Quy trình làm thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip gồm các bước sau:

1. Công dân đem theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND), thẻ CCCD hoặc giấy tờ chứng minh thông tin của bản thân.

2. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiến hành đối chiếu, xác minh thông tin trên giấy giờ đã xuất trình. Nếu công dân chuyển từ CMND 9 số, CMND 12 số, thẻ CCCD gắn mã vạch sang thẻ CCCD gắn chíp, cán bộ sẽ thu hồi thẻ cũ và xử lý theo quy định chi tiết của Bộ Công an.

3. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu CMND 9 số còn rõ nét thì cán bộ công an trả lại CMND chưa cắt góc cho công dân để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ CCCD, đồng thời đưa giấy hẹn cấp thẻ CCCD mới.

4. Khi tiến hành trả thẻ, công dân trình giấy hẹn trả thẻ CCCD cùng với CMND, cán bộ sẽ cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND cũ, mỗi cạnh góc vuông là 2cm.

5. Tiếp đó, cán bộ ghi vào hồ sơ và trả CMND đã được cắt góc cho người đến nhận thẻ CCCD.

- Trường hợp CMND 9 số không rõ nét, cán bộ công an thực hiện thu, hủy, ghi vào hồ sơ và cấp giấy xác nhận số CMND cho công dân.

- Với thẻ CMND 12 số và CCCD có gắn mã vạch, quy trình thu, nộp cũng tương tự. Điểm khác duy nhất là khi cắt góc, mỗi cạnh góc vuông là 1.5cm.

- Trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ CCCD qua đường chuyển phát, cơ quan quản lý, tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả CMND hoặc thẻ CCCD gắn mã vạch đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ.

6. Tiếp sau đó, cán bộ nhập thông tin về loại cấp thẻ CCCD và đặc điểm nhận dạng của công dân, tiến hành lấy vân tay bằng dụng cụ chuyên dùng.

21607421074.jpeg

Ảnh chân dung cho thẻ CCCD gắn chip là ảnh màu, phông trắng, chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, trang phục lịch sự, không được sử dụng trang phục đặc thù cho nghề nghiệp, có thể mặc lễ phục tôn giáo.

7. Công dân nhận phiếu thu nhận thông tin, đối chiếu trước khi lấy giấy hẹn cấp thẻ.

 

Sẽ tăng giờ làm thêm từ năm 2021, người lao động cần hiểu như thế nào cho đúng?