Đời Sống

Grab tăng giá: Người dùng ngỡ ngàng tìm phương tiện khác, tài xế lo ế

Hạnh Quyên - 07/12/2020 15:07 GMT+7

Tăng thuế xe công nghệ, Grab tăng giá cước khiến khách hàng loay hoay tìm phương tiện khác, tài xế lo ế vì không có khách đã tắt app, tập trung trước trụ sở chính để phản đối.

Theo thông báo của Grab, từ ngày 5/12, giá cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ khu vực Hà Nội, Bắc Ninh lần lượt tăng từ 8.500 đồng/km lên 9.500 đồng/km và từ 10.000 đồng/km lên 11.000 đồng/km.

Khu vực TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km và từ 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km.

01607327911.jpeg
Bảng giá cước mới

Giá cước cho 2 km đầu với GrabCar 4 chỗ cũng tăng từ 25.000 lên 27.000 đồng và xe 7 chỗ từ 30.000 lên 32.000 đồng.

Tương tự, giá cước GrabBike cho 2 km đầu tiên tăng từ 10.000 lên 11.000 đồng/km và mỗi km sau đó tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.

Lý giải việc tăng giá cước là do quy định mới của Nghị định 126. Theo đó, từ ngày 5/12, thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 3% lên 10% đối với xe công nghệ.

Tỉ lệ chiết khấu tài xế GrabCar phải nộp cho hãng cũng từ 28,375% tăng lên 32,841% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%, còn GrabBike tăng từ 20% lên 27,273%.

11607327911.jpeg

Không chỉ tăng giá dịch vụ, thời gian tính phụ phí của Grab từ 11h tối đến 6h sáng là 10.000 đồng/cuốc xe. Chưa kể khách sẽ bị tính thêm 3.000 - 10.000 đồng nếu đến điểm đặt xe muộn quá 5 phút. Với các loại phí nền tảng, Grab, Be, Gojek áp dụng 1.000 - 3.000 đồng/cuốc xe.

Lái xe lo mất khách, bị giảm doanh thu

Ngay sau khi thông tin này được công bố, không ít lái xe ôm công nghệ lo lắng, bởi với mức giá mới này sẽ khiến cho người tiêu dùng giảm bớt sử dụng dịch vụ. Khi người tiêu dùng thấy giá cước tăng, họ sẽ giảm sử dụng dịch vụ, đồng nghĩa tài xế giảm thu nhập.

21607327911.png
Quy định mới về thuế

Với một cuốc xe có giá cước 110.000 đồng, 100.000 đồng trong đó được xem là doanh thu hợp tác và 10.000 đồng còn lại là thuế suất 10% của doanh thu hợp tác. Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế VAT (10.000 đồng), doanh thu chia sẻ sẽ còn 100.000 đồng, với 80.000 đồng được chia cho tài xế và 20.000 đồng cho Grab.

Như vậy, nếu trước đây một cuốc xe giá 110.000 đồng, đối tác tài xế xe 2 bánh của Grab (có thu nhập cả năm nhỏ hơn hoặc bằng 100 triệu đồng) nhận về 88.000 đồng thì nay chỉ còn 80.000 đồng, thu nhập giảm 9,1%.

31607327911.jpeg

Khách hàng tìm phương tiện khác

Theo ghi nhận, nhiều hành khách thường xuyên sử dụng dịch vụ xe công nghệ bất ngờ khi giá cước đã tăng mạnh.

Chị Trần Quỳnh Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Từ nhà mình lên công ty chưa đầy 2km giá mọi khi là 12.000 - 15.000 đồng/lượt. Nhưng giờ giá tăng thành 24.000 đồng/lượt. Tăng như thế này cao quá, từ mai chuyển sang tự đi xe hoặc xe ôm thường thôi".

41607327911.jpeg

Tương tự, anh Nguyễn Ngọc Long (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “cước xe tăng người tiêu dùng cân nhắc lựa chọn phương tiện di chuyển. Nếu như hiện nay, giá cước công nghệ và taxi không khác gì nhau, anh sẽ chuyển sang lựa chọn taxi truyền thống vì giá cước không cao hơn và đặc biệt không tăng cao đột biến vào giờ cao điểm như các hãng xe công nghệ”.

Nhiều tài xế tắt app, tập trung tại trụ sở chính để phản đối tăng cước

Theo ghi nhận, sáng 7.12 tại khu vực trước trụ sở Grab (ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rất đông tài xế đã tập trung tại đây để phản đối việc tăng giá cước.

51607327911.jpeg

Càng về trưa, số lượng tài xế đến đây ngày một đông, tất cả đều tắt app, mong muốn được làm việc với đơn vị chủ quản.

Với sự điều chỉnh mới này, các chuyên gia cho rằng, tài xế và người tiêu dùng chịu thiệt. Trong bối cảnh khó khăn, người tiêu dùng chỉ còn cách thắt chặt chi tiêu, giảm đi xe. Mặc dù các hãng xe công nghệ liên tục đưa ra khuyến mãi giảm giá để hỗ trợ khách hàng nhưng khó có thể giữ chân được người tiêu dùng vì giá cả tăng.

Trong khi đó, một số ứng dụng gọi xe như Be, Gojek vẫn chưa thông báo tăng cước dù nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5-12.

Thưởng tết 2021: không nhất thiết thưởng bằng tiền mặt